Đánh giá ASUS ROG Zephyrus G16 (2024) – Khi gaming laptop “giảm cân”

ASUS ROG Zephyrus G16 (2024) đáp ứng được những nhu cầu trái ngược nhau: gaming laptop sở hữu hiệu năng cao trong thân hình “siêu mẫu”.

Cấu hình và hiệu năng Zephyrus G16 (2024)

Không khó để đoán cấu hình của ROG Zephyrus G16 (2024) khi mà Intel vừa tung ra các mẫu vi xử lý Meteor Lake hoàn toàn mới từ cuối năm 2024. ASUS trang bị vi xử lý Intel Core Ultra 9 185H cho máy, bộ nhớ trong DDR5 dung lượng 32 GB, không gian lưu trữ SSD 1 TB và đồ họa rời NVIDIA GeForce RTX 4070 Laptop. Trong trường hợp có nhu cầu cao hơn, Zephyrus G16 (2024) đã sẵn sàng phiên bản với RTX 4090 Laptop, còn CPU đã là lựa chọn Meteor Lake cao nhất hiện tại. Các con chip Core Ultra được Intel bổ sung thêm NPU – nhân xử lý chuyên biệt cho AI – nên giải tỏa được phần nào hiệu năng của CPU. Trước đây khi người dùng sử dụng các tính năng webcam như làm mờ background, cân chỉnh khung hình, hay khử nhiễu microphone thì CPU phải dành ra 1 phần sức mạnh để thực hiện. Từ lúc NPU góp mặt, nó sẽ lãnh trọng trách đó và để CPU thoải mái, “toàn tâm toàn ý” phục vụ các tác vụ khác. Hiện tại chưa có nhiều phần mềm ứng dụng được NPU nhưng chúng ta có thể xài với Windows Studio Effects hoặc khử ồn 2 chiều AI trong phần mềm âm thanh của ASUS.

ASUS ROG Zephyrus G16 (2024) không trải qua quá trình “giảm cân” mà từ khi sinh ra, nó đã được định hình là 1 mẫu gaming laptop gọn gàng, thanh lịch, không phải dáng “mình hạc sương mai” nhưng cũng vô cùng hấp dẫn. Vì lý do đó mà trên Zephyrus G16 (2024), chúng ta hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của các khe thoát nhiệt hay hút gió cỡ lớn, những đường nét gồ ghề hầm hố. Vậy thì tại sao ROG Zephyrus G16 (2024) có thể hoạt động bình thường khi sở hữu cấu hình mạnh mẽ?

Nhà sản xuất phát triển hệ thống làm mát cho Zephyrus G16 với các heatpipe và khối 153 lá đồng tản nhiệt, mỗi lá có độ dày 0.1 mm. Sau khi nhiệt được dẫn từ các thành phần gồm CPU và GPU ra khối lá đồng, nhiệt sẽ được đẩy nhanh ra môi trường thông qua 3 quạt Arc Flow 2.0. Các quạt Arc Flow 2.0 này sở hữu 84 cánh quạt, thiết kế bánh xe kép, tăng 11% luồng khí, giảm 16% năng lượng tiêu thụ. Ngay giữa vòng quạt bên ngoài là 42 cánh quạt nhỏ hơn nằm ở vòng bên trong, cải thiện khả năng hút khí.

Tính năng 0dB Ambient Cooling có cách hoạt động tương tự như 0dB hay Zero Fan trên card đồ họa hoặc PSU của desktop. Trong trường hợp nhiệt độ CPU và GPU dưới 1 ngưỡng nhất định – với Zephyrus G16 là 50 độ C – thì quạt sẽ ngừng quay, vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm ồn tối đa. Linh hoạt hơn nữa, người dùng có thể tự tùy chỉnh trong phần mềm Armoury Crate với 5 chế độ quạt: Windows (thông thường), Silent (văn phòng), Performance (tối ưu cho tác vụ đa dạng), Turbo (đồ họa nặng), Manual (tùy chỉnh).

Các thử nghiệm của Migovi cho thấy ASUS ROG Zephyrus G16 (2024) hoàn toàn đủ sức để đáp ứng hầu như bất kỳ tác vụ gì, từ làm việc, sáng tạo tới giải trí. Công nghệ NVIDIA Advanced Optimua cùng với MUX Switch cho phép chuyển đổi card màn hình tích hợp hoặc rời theo tác vụ, hoặc chỉnh tay. Thời lượng pin của máy khi chạy game nặng thì hết khá nhanh, tuy nhiên nếu chỉ xài tác vụ văn phòng, máy có thể trụ được hơn 5 tiếng. Điều kiện thử nghiệm là phòng máy lạnh, độ sáng màn hình bình thường và hầu như không phải hạn chế quá nhiều.

NPU bên trong Intel Core Ultra 9 185H tuy chưa có nhiều phần mềm tận dụng được, tuy nhiên với các phép thử (benchmark) của Procyon, nó cho thấy 1 tương lai khá sáng. Ở những thế hệ vi xử lý mới trong tương lai, NPU sẽ ngày càng nâng cấp hơn, có thể đủ để chạy những mô hình ngôn ngữ cỡ nhỏ cho mục đích cá nhân. Lúc này, AI PC mới mang đúng ý nghĩa thật.

Ngoại hình gọn gàng, thanh lịch

Chất liệu chính tạo nên bộ khung của ROG Zephyrus G16 (2024) là hợp kim nhôm hàng không, đúc nguyên khối với những đường bo tròn nhẹ nhàng, thanh lịch. Mặt A của máy đơn giản, sự khác biệt so với thế hệ trước là phần LED trang trí. Thay vì trang bị nguyên 1 nửa theo đường chéo bằng LED ma trận thì phiên bản mới tinh gọn lại, chỉ còn 1 đường chéo ở giữa. Dải đèn LED này mang đậm chất tương lai, trên đó có tổng cộng 68 ô nhỏ và 28 bóng mini LED trắng cùng 7 tùy chọn hiệu ứng hiển thị, điều chỉnh được trong phần mềm Armoury Crate.

ROG Zephyrus G16 (2024) có tùy chọn màu xám (Eclipse Grey) hoặc trắng (Platinum White) – màu cơ bản và an toàn để sử dụng thích hợp nhiều không gian. Logo ROG nằm khiêm tốn ở góc mặt A, không sử dụng kỹ thuật khắc nano không dùng ánh sáng (NIL – NanoImprint Lithography) như trước mà chuyên qua hoàn thiện bằng kỹ thuật bắn cát, khắc CNC và anode hóa để tăng cường độ bền. Vị trí dày nhất của máy đạt 17.4 mm, nặng 1.85 kg (1.95 kg nếu chọn phiên bản card rời RTX 4080 Laptop trở lên).

ASUS bổ sung thêm 2 bản lề phụ ở giữa cạnh máy, gia cố thêm độ chắc chắn cho màn hình. Tính năng mở màn hình bằng 1 tay cho phép sử dụng nhanh và thoải mái. Nhà sản xuất cải tiến phần bản lề, che phủ toàn bộ cạnh dưới màn hình để tránh gió nóng thổi trực tiếp, về lâu dài có thể ảnh hưởng tấm nền.

Mặt D của ROG Zephyrus G16 (2024) cũng bằng hợp kim nhôm, thiết kế nhiều khe thoát nhiệt và lấy gió. Khi nhà sản xuất đã loại bỏ phần chân đế nâng thân máy ở cạnh dưới màn hình rồi, họ chuyển qua sử dụng chân đế cao su ở mặt D, dày hơn để tạo khoảng trống cho quạt hút khí làm mát.

Kỹ thuật gia công cắt CNC được áp dụng chủ yếu ở mặt C – nơi người dùng tiếp xúc nhiều nhất, vừa tăng trải nghiệm vừa tăng độ thẩm mỹ. Dù sở hữu màn hình 16 inch nhưng Zephyrus G16 mới không có bàn phím số bên phải. ASUS tập trung cải tiến trải nghiệm bàn phím chính, bên cạnh đó là thiết kế lưới loa ở 2 bên. Phần lưới này được khoét thẳng lên mặt C, cũng với kỹ thuật CNC và tạo nên tổng cộng 4110 lỗ li ti, nhìn rất tỉ mỉ và chi tiết.

Màn hình ROG Nebula OLED tuyệt đẹp

Là 1 trong 2 gaming laptop đầu tiên trang bị màn hình ROG Nebula OLED, thiết bị cung cấp trải nghiệm thị giác rất “đã”. Màn hình của Zephyrus G16 (2024) có kích thước 16 inch, độ phân giải 2560 x 1600, tỷ lệ 16:10 và viền siêu mỏng 4.7 mm. Khả năng của Nebula OLED ấn tượng nhờ phủ 100% dải màu DCI-P3, thời gian phản hồi cực nhanh 0.2 ms, độ sáng tối đa 500 nits. Trước khi tới tay người dùng, ASUS thực hiện cân chỉnh màu sắc của màn hình này để đạt được độ chính xác cao nhất Delta E < 1, theo bảng màu Pantone. Ngoài ra, màn hình cũng có chứng nhận VESA HDR TrueBlack 500, , tần số quét 240 Hz sẵn sàng cho game đối kháng trực tuyến (FPS).

Hầu như các mẫu gaming laptop thông thường sẽ tập trung chính ở phần tần số quét để đảm bảo trải nghiệm chơi game FPS, tăng lợi thế cho game thủ khi cần phản xạ nhanh, kèm theo đó là chất lượng tấm nền không đảm bảo. ROG Nebula OLED không chỉ cho chất lượng màu sắc và hình ảnh đầy chi tiết, cực kỳ chính xác thì cũng không quên game thủ. Còn gì tuyệt hơn khi vừa có hình đẹp, đầy màu sắc mà tần số quét cũng rất cao?

Không có khái niệm loa chống điếc trên ROG Zephyrus G16 (2024)

Đi đôi với trải nghiệm thị giác phải là trải nghiệm thính xác – 2 thứ gần như không thể tách rời nếu nói về khía cạnh giải trí. Bên trong mẫu gaming mỏng nhẹ này là hệ thống 6 loa với 4 loa trầm và 2 loa tweeter. Loa có kèm theo công nghệ Dolby Atmos, hỗ trợ HiRes Audio, tái tạo âm thanh chi tiết và sống động. Có thể nói loa tích hợp trên Zephyrus G16 (2024) đã thay đổi những định kiến của Migovi về loa laptop – loa chống điếc.

Chất lượng âm thanh mà Zephyrus G16 (2024) tạo ra thực sự ấn tượng, lớn và chi tiết trong khi không bị rè. Người dùng hoàn toàn có thể thưởng thức nhạc hoặc phim trong phòng mà không cần sử dụng tới tai nghe. Điểm đặc biệt là khi cho máy phát ra âm thanh, nó cũng có thể liên kết với ánh sáng ở dải LED mặt trước tạo nên các hiệu ứng sống động. Có thể nói rằng Zephyrus G16 là 1 trong những mẫu laptop khá hiếm trên thị trường có được chất lượng âm thanh “ngon lành” như vậy.

Bàn phím cải tiến, touchpad diện tích lớn

Dù là gaming laptop 16 inch nhưng thay vì có phần numpad bên phải, ASUS loại bỏ chúng để tập trung tăng diện tích bề mặt phím bấm thêm 12.24% so với trước đó. Khoảng cách giữa 2 phím và hành trình của từng phím đều là 1.7 mm, đủ để mang tới trải nghiệm gõ phím tốt. Đèn nền RGB là không thể thiếu với gaming laptop tầm cỡ như Zephyrus G16, Migovi có thể thoải mái điều chỉnh hiệu ứng, màu đèn ngay trong phần mềm Armoury Crate. Các phím bấm có tuổi thọ siêu cao tới 20 triệu lần nhấn.

Dải phím F1 – F12 trên ROG Zephyrus G16 (2024) mang đúng chức năng cơ bản của nó. Khá nhiều nhà sản xuất để mặc định dải phím F có chức năng phụ, còn khi muốn nó xài đúng phím F thì cần kèm theo Fn. Migovi không thích điều này vì thường xài các phím F1 – F12 hơn là tinh chỉnh các chức năng trong hệ điều hành (tăng giảm âm lượng, tăng giảm độ sáng, khóa touchpad, tắt WiFi…). Dĩ nhiên Armoury Crate hỗ trợ điều chỉnh, thiết lập theo đúng nhu cầu mỗi người. Ngay bên trên bàn phím chính là 4 phím M1 – M4 có thể điều chỉnh được, mặc định có chức năng tương ứng là giảm âm lượng, tăng âm lượng, tắt mở microphone và chạy phần mềm Armoury Crate. Người dùng có thể gán chức năng khác hoặc tùy biến macro phục vụ nhu cầu đều đơn giản.

Touchpad trên Zephyrus G16 (2024) có thiết kế tốt, tận dụng được gần như toàn bộ phần lót tay (chiều rộng). Kích thước touchpad lớn với tỷ lệ gần với 16:10, tương ứng như màn hình nên cho khả năng di chuột thoải mái, rộng rãi. Cạnh trên màn hình tích hợp camera hồng ngoại, hỗ trợ mở khóa máy nhanh chóng với tính năng Windows Hello. Đáng tiếc là Zephyrus G16 (2024) không có đầu đọc vân tay cũng như không tích hợp nắp che vật lý cho camera. Migovi nhận thấy phần nắp che vật lý cho camera là cần thiết, bất kể đó là laptop doanh nhân hay gaming, đơn giản vì đó là giải pháp bảo mật an toàn nhất trong thời đại số để tránh bị rò rỉ hình ảnh cá nhân.

Migovi đánh giá

Migovi Ultra Rating

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^