Thử nghiệm Raptor Lake-S Refresh – Intel Core i9-14900K

Intel Core i9-14900K là lựa chọn vi xử lý Raptor Lake Refresh cao nhất hiện tại, có hiệu năng cao hơn nhưng giữ giá bán như thế hệ trước.

Đến hẹn lại lên, Intel chính thức tung ra các vi xử lý Core thế hệ 14 dành cho máy tính để bàn, tên mã Raptor Lake Refresh. Thế hệ CPU mới của đội xanh có cấu trúc sản phẩm tương tự như trước, với 6 phiên bản không khóa hệ số nhân, cao nhất là Core i9-14900K. Bộ sản phẩm thử nghiệm mà Migovi nhận được lần này cũng gồm 2 mẫu: Intel Core i5-14600K và Intel Core i9-14900K.

Raptor Lake Refresh như tên gọi, sẽ dựa trên nền tảng thế hệ 13 Raptor Lake, với 1 số cải tiến nhẹ, mang lại hiệu năng cao hơn cho những khách hàng yêu cầu. Core thế hệ 14 hỗ trợ các tính năng mới nhất như PCI Express 5.0, bộ nhớ trong DDR5 nhưng vẫn cung cấp tùy chọn DDR4 để phù hợp cho những dàn máy bàn có chi phí hợp lý. Người dùng vi xử lý Alder Lake (thế hệ 12) và Raptor Lake (thế hệ 13) hoàn toàn có thể nâng cấp lên Raptor Lake Refresh chỉ bằng cách cập nhật BIOS. Về mainboard thì bất kỳ sản phẩm nào trang bị chipset Intel 600 Series hoặc Intel 700 Series đều hỗ trợ tốt.

Về cấu hình bên trong con chip, Raptor Lake Refresh vẫn là các nhân Performance trên nền tảng vi kiến trúc Raptor Cove, được thiết kế cho các tác vụ nặng, cung cấp hiệu năng tốt nhất cho game hay những phần mềm tận dụng được lợi thế đơn nhân. Nhân Efficient dựa trên kiến trúc Gracemont, tương tự như thế hệ trước, tham gia vào các tác vụ nền, hay cần nhiều sức mạnh xử lý đa nhân như mã hóa, dựng video. Socket vẫn là LGA 1700, anh em chỉ cần gỡ vi xử lý cũ, mua Core thế hệ 14 về thay vào là được, đương nhiên đã cập nhật BIOS rồi.

IMC (Integrated Memory Controller) bên trong Raptor Lake Refresh hỗ trợ DDR5 có tốc độ đến 5600 MT/s khi người dùng thiết lập 1DPC (1 DIMM per channel), còn nếu thiết lập 2DPC, tốc độ DDR5 được hỗ trợ là 4400 MT/s. Như đã nói, khả năng hỗ trợ tiếp tục DDR4 là điểm cộng lớn của socket LGA 1700 nói chung và Raptor Lake Refresh nói riêng. Người dùng đang ở những hệ thống cũ với DDR4 có thể giữ lại RAM để sử dụng, không cần thay thế. Nếu ráp mới, DDR5 hiện tại đã có giá bán tốt hơn, dễ chịu và là khoản đầu tư đáng có. Ở thời điểm này DDR5 đã không còn quá mắc, kit DDR5-5600 dung lượng 32 GB chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng, hơn 400,000 đồng so với 1 kit DDR4-3200 cùng dung lượng.

Intel Core i9-14900K sở hữu 8 nhân Performance, 16 nhân Efficient, tổng 24 nhân thực và 32 luồng nhờ công nghệ Hyper Threading. Xung gốc của nhân Performance là 3.2 GHz, nhân Efficient là 2.4 GHz, còn Turbo Boost tương ứng 5.6 GHz và 4.4 GHz. Đây cũng là con chip đầu tiên thuộc dòng sản phẩm thường (non-S) có khả năng hoạt động ở xung 6 GHz với Thermal Velocity Boost. Core i9-14900K có 32 MB bộ đệm L2, 36 MB bộ đệm Intel Smart Cache, mức TDP cơ bản 125 W và lớn nhất khi boost là 253 W.

Điểm qua những tính năng nổi bật trên Intel Core thế hệ 14 Raptor Lake Refresh:

  • Nhân Performance: đây là những nhân hiệu năng cao nhất từng được sản xuất bởi Intel, thiết kế để đáp ứng nhu cầu xử lý các tác vụ đơn luồng, luồng tính toán nhẹ hoặc tăng đột biến, ví dụ như chơi game 4K hoặc thiết kế 3D.
  • Nhân Efficient: được thiết kế để xử lý các tác vụ đa luồng và chạy nền, ví dụ như thu nhỏ các tab trình duyệt, dịch vụ IT, đồng bộ dữ liệu đám mây. Nhân Efficient sẽ giải tỏa gánh nặng cho nhân Performance, giúp P-core thoải mái “dồn lực” cho nhu cầu hiệu năng cao.
  • Kiến trúc hiệu năng lai: việc tích hợp 2 loại nhân lên chung 1 đế cho phép ưu tiên và phân phối công việc tốt hơn, tối ưu hóa hiệu suất.
  • Intel Thread Director: “Giám đốc luồng” sẽ tối ưu khối lượng công việc bằng cách hỗ trợ  hệ điều hành lên lịch cụ thể, phân phối tác vụ đúng nhân xử lý.
  • PCIe 5.0 lên tới 16 làn: sẵn sàng cho kết nối và truy xuất tốc độ cao với các thành phần khác như card đồ họa, lưu trữ và thiết bị ngoại vi, băng thông lên tới 32 GT/s.
  • PCIe 4.0 lên tới 4 làn: băng thông 16 GT/s dành cho lưu trữ và ngoại vi.
  • DDR5-5600 và DDR4-3200: khả năng hỗ trợ đồng thời cả DDR4 lẫn DDR5 cho người dùng tùy chọn thoải mái, tối ưu cấu hình theo giá tiền.
  • Intel Deep Learning Boost: tăng tốc suy luận AI để cải thiện hiệu suất cho khối lượng công việc học sâu.
  • Gaussian & Neural Accelerator 3.0: xử lý các ứng dụng âm thanh và giọng nói AI như khử ồn bằng mạng thần kinh trong khi mô phỏng, giảm tải tài nguyên CPU nhằm tăng cường hiệu năng tổng thể toàn hệ thống.
  • Intel Adaptive Boost Technology, Intel Thermal Velocity Boost, Intel Turbo Boost Max Technology 3.0: các công nghệ tăng tốc xung hoạt động và cả hiệu năng để đáp ứng khối lượng công việc nặng, tức thời, tối ưu cho nhiều tác vụ khác nhau.
  • Intel Extreme Tuning Utility: bộ công cụ hỗ trợ ép xung chính xác, gồm cả vi xử lý và bộ nhớ trong, tăng cường hỗ trợ bởi AI nhằm giúp người dùng đơn giản hơn khi tùy chỉnh.
  • Intel Extreme Memory Profile 3.0: XMP 3.0 cho phép kích hoạt nhanh các cấu hình tùy chỉnh thông số RAM được ép xung sẵn, giúp người dùng tăng cường hiệu năng, giảm độ trễ.
  • Intel Dynamic Memory Boost: Ép xung bộ nhớ thông minh để tăng cường hiệu năng theo nhu cầu, tối ưu hiệu năng nền tảng dựa trên mức sử dụng.

Cấu hình thử nghiệm

  • CPU: Intel Core i9-14900K
  • Mainboard: ASUS ROG Strix Z790-A Gaming Wi-Fi II
  • RAM: Kingston FURY Renegade DDR5-7200 32 GB (16 GB x 2)
  • VGA: ASUS ROG Strix GeForce RTX 4060
  • SSD: ADATA LEGEND 960 MAX 1 TB
  • Cooler: Cooler Master MasterLiquid 360 ATMOS
  • PSU: ASUS ROG THOR 1600 W Titanium

Điều bất ngờ nhất là Core i9-14900K mạnh hơn những gì mình nghĩ. Ở mọi thiết lập mặc định, con chip đạt được điểm số Cinebench R23 mạnh hơn Core i9-13900KS, dù về lý thuyết cả 2 sản phẩm gần như tương đồng nhau. Nếu ở thế hệ 13, Core i9-13900K có xung boost tối đa 5.8 GHz và chỉ những die “hàng tuyển” mới vinh dự mang tên Core i9-13900KS, xung boost lên 6 GHz thì thế hệ 14, các die tuyển đó trở thành bình thường. Điều này nghĩa là tiến trình của Intel 1 lần nữa được tối ưu hóa, cho ra những die tốt có số lượng đủ nhiều để biến chúng trở thành phiên bản thường (non-S). Nếu theo suy đoán thì die tuyển ở đợt Raptor Lake Refresh này, nếu có, sẽ trở thành Core i9-14900KS, với xung boost đâu đó lên cỡ 6.2 GHz. Những phép thử quen thuộc khác như 3DMark CPU Profile, BAPCo CrossMark, Blender, 7-Zip hay Corona đều cho kết quả tăng tương ứng.

Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, Raptor Lake Refresh ra mắt trong thời điểm này có những cái hay riêng. Về cơ bản, đối thủ AMD mà cụ thể là mẫu Ryzen 9 7950X vẫn chưa phải là đối thủ của Core i9-13900K (xét ở thiết lập mặc định và cùng chung thành phần hệ thống), do đó Intel không cần vội đẩy tiến trình mới mà dành thời gian để hoàn thiện hơn nữa. Core i9-14900K mạnh hơn cả Raptor Lake phiên bản đặc biệt – Core i9-13900KS, do đó nó hoàn toàn là món đồ đáng mua của những tay chơi PC, luôn muốn sở hữu sản phẩm mới nhất, mạnh nhất trên thị trường. Còn lại, Raptor Lake Refresh xuất hiện đồng nghĩa với giá bán của thế hệ 12 và thế hệ 13 sẽ giảm, người dùng được lợi khi cần ráp desktop mới. Dù sao đi nữa thì LGA 1700 tồn tại qua 3 thế hệ vi xử lý, nên nếu mục tiêu là chi phí thấp nhất, Alder Lake là lựa chọn hàng đầu, đồng thời vẫn còn khả năng nâng cấp lên 2 đời nếu muốn. Với những ai đang sở hữu Raptor Lake i9 rồi, việc nâng cấp lên Core i9-14900K có lẽ không cần thiết hoặc không đủ lý do thuyết phục, anh em nên để dành tiền cho năm sau, socket LGA 1851 thì hợp lý hơn.

Intel Core i9-14900K hướng tới những khách hàng cần hiệu năng cao nhất, sản phẩm mới nhất. Nếu xây dựng hệ thống PC mới trong khoảng thời gian này, người dùng có thể mua Core i9-14900K với giá bán ngang ngửa Core i9-13900K lúc mới ra mắt, nhưng được lợi hơn về hiệu năng. Còn nếu so với phiên bản đặc biệt của thế hệ trước – Core i9-13900KS, con chip mới ra mắt về cơ bản mạnh hơn 1 chút (theo số liệu thử nghiệm trong bài), TDP cơ bản thấp hơn 25 W, trong khi xung Turbo P-core tối đa tăng 200 MHz và xung Turbo E-core tối đa tăng 100 MHz. Chưa kể Core i9-13900KS trên thị trường vẫn đang có giá bán cao hơn Core i9-14900K, thứ được lợi hơn nếu chọn Raptor Lake bản Special là hộp đựng có thiết kế đặc biệt.

Nhìn chung Raptor Lake Refresh có thể chưa đủ sức hấp dẫn để người dùng Raptor Lake mẫu tương ứng nâng cấp, do hiệu năng tăng không nhiều, muốn thay đổi lớn có lẽ phải chờ đến Core thế hệ 15. Trong khi đó người dùng thế hệ cũ hơn (Alder Lake trở về trước), Raptor Lake Refresh là 1 sự nâng cấp đáng kể, cả về công nghệ, hiệu năng và khả năng tối ưu hóa với các thành phần linh kiện khác. Core thế hệ 14 có thể coi như là 1 món quà của Intel dành cho người dùng, sở hữu các mẫu CPU trông có vẻ tương tự như thế hệ 13, nhưng xung cao hơn, hiệu năng tốt hơn – thứ mà hồi Raptor Lake phải cần mua phiên bản đặc biệt mới được trải nghiệm.

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^