Hands-on concept phone Vivo APEX 2019

Theo thông tin từ Vivo, hiện tại hãng mới sản xuất số lượng rất hạn chế chiếc concept phone APEX 2019, và có 2 chiếc được chu du qua nhiều nước để mang lại những trải nghiệm đầu tiên cho một số người nhất định.

Điểm sơ về cấu hình, chiếc concept phone APEX 2019 chạy trên nền Funtouch OS 5.0 (Android 9), vi xử lý Qualcomm Snapdragon 855, RAM 12 GB, lưu trữ 256 GB, dùng eSIM thay vì SIM vật lý, hỗ trợ mạng 5G. Thiết kế bên trong, APEX 2019 sử dụng Duplex PCB Design nhằm tăng cường không gian trống bên trong khung máy, chừa chỗ cho các module 5G.

Là một chiếc smartphone đầy tham vọng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức concept, Vivo APEX 2019 vẫn còn chưa hoàn chỉnh, ví dụ như không có camera trước. Vivo APEX 2019 có thiết kế FullView, tràn màn hình, không viền, cũng không có bất cứ lỗ nào trên toàn thân máy. Mặt trước APEX 2019 là màn hình lớn, không có loa thoại, cũng không có loa ngoài. Bằng công nghệ Body SoundCasting, nhờ rung động màn hình mà tạo ra âm thanh. Thử nghiệm cho thấy âm lượng của APEX 2019 không hề thua kém chiếc smartphone Vivo V15 mới ra mắt gần đây, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn.

Bảo mật trên Vivo APEX 2019 được nâng lên một tầm cao mới. Khoan vội nghĩ đó là quét khuôn mặt thật chính xác hay nhận diện mống mắt, APEX vẫn sử dụng cảm biến vân tay dưới màn hình. Cảm biến mới có diện tích gần như bao phủ toàn bộ mặt trước, người dùng có thể quét vân tay để mở khóa máy ở hầu hết mọi vị trí trên màn hình. Công nghệ Fingerprint Light hỗ trợ cho cảm biến vân tay này bằng cách bật sáng cho các điểm ảnh xung quanh điểm chạm tay, trợ sáng cho cảm biến quét chính xác và nhanh hơn.

Thử nghiệm thiết lập dấu vân tay, thay vì phải quét nhiều lần như trên các mẫu smartphone hiện tại, với APEX 2019, người dùng chỉ cần 2 lần chạm vào vị trí chỉ định trên màn hình là máy quét xong. Nếu nói về tốc độ nhận diện vân tay, dĩ nhiên cảm biến dưới màn hình vẫn chưa thể nhanh bằng cảm biến thông thường, nhưng với những gì thể hiện, cảm biến vân tay bên dưới và toàn màn hình của APEX 2019 đã làm rất tốt. Vivo cũng mang đến một kiểu mở khóa vân tay mới hoàn toàn với 2 dấu tay đồng thời. Với kiểu mở khóa 2 dấu tay, độ bảo mật được tăng thêm nhiều lần. Nếu chỉ sử dụng 1 dấu tay và 2 bàn tay, bạn cần tối đa 10 lần thử, nhưng nếu sử dụng 2 dấu tay với 2 bàn tay, cần đến 45 lần thử. Đó là chưa kể đến việc kết hợp giữa 1 dấu vân tay và 1 dấu vân chân – 190 lần.

Vì không có lỗ trên thân máy, khả năng chống nước và bụi của Vivo APEX 2019 là không cần bàn. Ở mặt lưng, APEX sử dụng một tấm kính G2 cong (G2 Curved-Surface Waterdrop Glass) ốp toàn bộ, che phủ mọi thứ và gia công rất tốt, tạo cảm giác liền mạch hoàn toàn với mặt trước. Có thể nói, Vivo APEX 2019 là một chiếc smartphone toàn kính, vì gần như bạn chỉ chạm được vào mặt kính, từ trước ra sau, từ trên xuống dưới khi sử dụng sản phẩm này.

Thiết kế toàn kính rất đẹp, rất bóng bẩy, rất lạ và độc đáo. Nó mang lại một thân máy liền lạc nhưng cũng dễ trượt, mượt mà nhưng cũng dễ xước. Dù rằng kính G2 có cứng đến thế nào đi nữa thì trong quá trình sử dụng vẫn sẽ bị các vết trầy xước không mong muốn, và điều này ảnh hưởng đến camera sau. Cụm camera sau vẫn nằm bên dưới lớp kính cong nguyên khối, và nếu không may mắn, vết trầy xước xuất hiện ở khu vực camera… à thì, bạn sẽ không muốn nghĩ tới điều đó đâu.

Không may là Vivo chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề xước kính khu vực camera, cách đơn giản nhất mà hãng đưa ra vẫn là tìm một biện pháp bảo vệ thêm – như ốp lưng chẳng hạn. Nếu phải sử dụng ốp lưng, sự thú vị của việc cầm trên tay một smartphone toàn kính không còn nữa; nhưng nếu không ốp và bị xước camera, chi phí thay thế toàn bộ lớp kính G2 này có lẽ cũng không cần nghĩ đến nữa.

Phủ kính toàn bộ, Vivo đưa ra một dạng nút nguồn và tăng giảm âm lượng kiểu mới. Công nghệ Touch Sense kết hợp giữa cảm biến điện dung và cảm biến áp suất sẽ giúp mô phỏng các nút vật lý quen thuộc. Bạn nhấn vào, và có phản hồi xúc giác, cộng với phần mềm và logic lập trình được thiết kế cẩn thận, các cảm biến sẽ hiểu và xử lý tín hiệu chạm của người dùng một cách chính xác.

Còn về phần năng lượng thì sao? Vivo APEX 2019 mang đến một kiểu sạc mới với tên gọi Magport. Các điểm tiếp xúc điện hút với nhau bằng nam châm, công suất sạc 18W. Đáng tiếc là APEX 2019 không trang bị sạc không dây, Magport sẽ đảm nhiệm chức vụ sạc pin cũng như truyền tải dữ liệu với máy tính. Điểm hạn chế của Magport là gần như không thể tìm được giải pháp thay thế khi di chuyển mà vô tìm làm thất lạc dây kết nối. Micro USB, USB Type C, Lightning… bạn đều có thể mua được khá dễ dàng ở các cửa hàng, nhưng Magport có vẻ hơi khó. Dĩ nhiên, trong tương lai nếu Magport trở nên phổ biến, việc tìm mua một đầu chuyển đổi từ các cổng thông dung sang Magport sẽ dễ dàng hơn.

Như đã nói, hiện tại Vivo APEX 2019 mới chỉ dừng lại ở một concept phone, chưa có kế hoạch thương mại hóa cụ thể. Còn nhiều việc để Vivo phải nghiên cứu và áp dụng lên APEX 2019 trước khi nó có thể đến tay người dùng cuối. Tuy nhiên nếu xét về một chiếc điện thoại của tương lai, loại bỏ các thói quen thông thường, hiện thực hóa những tưởng tượng như không cần loa vẫn phát tiếng, cảm biến vân tay toàn màn hình, không nút vật lý, thân máy nguyên khối và chống nước… thì Vivo APEX 2019 đã có những bước khởi đầu đáng quan tâm và đầy thú vị.

1 / 17

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^Cancel reply