Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux White Edition qua đánh giá cho thấy được hiệu năng rất ổn cùng mức giá hợp lý, phù hợp CPU dòng cao.
Dải sản phẩm tản nhiệt nước AIO của Cooler Master có tên là MasterLiquid, chia làm 4 phân khúc theo thứ tự từ cao xuống thấp, gồm MasterLiquid Maker, MasterLiquid Pro, MasterLiquid và MasterLiquid Lite. Sản phẩm cụ thể trong bài viết này là MasterLiquid PL360 Plux phiên bản màu trắng, thuộc dòng sản phẩm Pro, cho hiệu năng cao cấp. Trong khi đó dòng Maker tới nay chỉ có 2 sản phẩm thuộc dạng custom, hoặc là chỉ hỗ trợ thế hệ cũ, hoặc là chỉ tương thích với 1 loại socket.
Cooler Master đóng gói sản phẩm trong hộp giấy tông tím đặc trưng của thương hiệu này, nắp hộp dạng vỏ sò theo chiều dọc. Mặt trước hộp có hình ảnh tản nhiệt MasterLiquid PL360 Flux White Edition, chú thích bao gồm điều khiển đèn RGB riêng. Mặt sau hộp có những thông tin đáng chú ý của tản nhiệt như RGB controller tặng kèm tương thích phần mềm Masterplus+, bơm 2 buồng hiệu năng cao và quạt làm mát SickleFlow cải tiến.
Phụ kiện đi kèm Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux White Edition (mình sẽ gọi tắt là PL360 Flux White nhé) rất đầy đủ, cho phép tản nhiệt có thể hỗ trợ được nhiều đời vi xử lý, từ AMD đến Intel. Đối với đội đỏ, PL360 Flux White hỗ trợ socket AM2, AM2+, AM3, AM3+, AM4, AM5 đến FM1, FM2, FM2+ và cả TR4. Trong khi đó với Intel, sản phẩm hỗ trợ từ socket LGA 11xx đến LGA 1200 và LGA 1700 mới nhất, ngoài ra còn có cả dòng CPU HEDT LGA 20xx nữa.
Cooler Master không trét sẵn kem tản nhiệt lên đế đồng tiếp xúc mà bảo vệ đế bằng decal trong, rồi tặng kèm 1 ống nhỏ kem MasterGel Pro cho anh em tự xử lý.
Điểm mình thích ở phụ kiện của Cooler Master là các ốc dài cố định quạt làm mát lên radiator. Thay vì bắt buộc sử dụng công cụ để siết ốc, hãng dùng ốc vặn tay (thumb screw), do đó anh em thao tác dễ dàng và thoải mái hơn. Trải nghiệm của mình ở vài mẫu tản nhiệt Cooler Master là hoàn toàn có thể vặn tay mà vẫn chắc chắn, đảm bảo không xảy ra rung động khi hoạt động. Phần đầu ốc có rãnh tương thích chuẩn vít Phillips (hay còn gọi là vít bake), giữa có ren, anh em có thể nối các ốc quạt này lại với nhau cũng vui vui, lúc đó trông nó giống như cây đũa phép cơm nguội trong Harry Potter vậy.
Anh em có 2 lựa chọn để điều khiển và đồng bộ hóa RGB LED của quạt làm mát, hoặc sử dụng dây chia đầu RGB để khiển và đồng bộ với header trên mainboard, hoặc sử dụng controller đi kèm. Nếu chọn controller, ứng dụng Masterplus+ sẽ giúp anh em điều khiển với nhiều chế độ và hiệu ứng RGB khác nhau. Bộ controller này lấy dữ liệu từ header USB 2.0 trên mainboard và nguồn từ đầu SATA (qua cáp chuyển). Với dây chia 4 RGB, hãng tặng thêm 4 nắp cố định 2 đầu dây nối tương ứng, tránh trình trạng sau khi lắp ráp mà vô tình kéo dây căng quá sẽ bị rơi ra hoặc tiếp xúc không tốt.
Đảm nhiệm tạo gió thổi khí nóng từ radiator ra môi trường là 3 quạt làm mát model FA12025L12LPT. Về cơ bản đây là các mẫu quạt SickleFlow được Cooler Master làm lại, có 7 cánh quạt Air Balance liên kết với nhau bởi vòng nhựa ở đầu cánh, dành riêng cho dòng sản phẩm PL-Flux. Quạt tiêu thụ tối đa 3.6 W (12 V @ 0.3 A), tốc độ lớn nhất 2300 RPM, tạo ra luồng gió 72.37 CFM, áp suất tĩnh 2.96 mmH2O và độ ồn cao nhất 32 dBA. Tuổi thọ của quạt này theo hãng là trên 160,000 giờ, tức là nếu anh em cho nó hoạt động liên tục 24/7/365 thì phải tới hơn 18 năm sau mới có thể hư hỏng.
Quạt có 2 đầu dây, 1 dây PWM 4 pin và 1 dây RGB 3 pin, tương thích với Addressable Gen 2 RGB. Cả 2 dây này đều được bọc dù đẹp và chắc chắn.
Phần LED RGB đặt ở giữa quạt, bên dưới cánh, có tổng cộng 8 LED RGB để cho ra hiệu ứng màu sắc mượt mà.
Radiator của PL360 Flux White cho cảm giác cứng cáp và chắc chắn, sử dụng chất liệu nhôm. Kích thước của rad là 394 x 119.6 x 27.2 mm, lá tản nhiệt mỏng và mật độ cao, tăng cường diện tích tiếp xúc không khí, đồng thời cũng cho phép luồng gió từ quạt đẩy nhiệt ra môi trường hiệu quả hơn. Độ dài của ống dẫn nước từ bơm đến rad là 400 mm, thoải mái để anh em có thể sắp xếp vị trí lúc lắp đặt. Phần này đương nhiên được bọc dù chắc chắn.
Cooler Master sử dụng bơm 2 buồng (dual chamber) hiệu năng cao để đẩy nước lấy nhiệt từ đế tiếp xúc qua rad. Thiết kế 2 buồng bơm mang lại sự cân bằng giữa lưu lượng nước và áp suất để tăng khả năng tản nhiệt. Bên trong, động cơ bơm dùng cánh quạt bằng sứ, trong khi các lá tản nhiệt siêu mỏng được thiết kế chính xác, đế đồng cũng dày hơn nhằm tối ưu tốc độ truyền dẫn nhiệt.
Để trang trí cho bơm hay block nước CPU, Cooler Master trang bị 2 vòng LED ARGB, 1 ở logo của hãng ngay giữa, 2 là vòng sáng xung quanh. Mặt trên block nước có thể xoay được nên anh em thoải mái chọn vị trí lắp đặt sao cho phù hợp, khi đã hoàn thiện thì chỉ cần xoay cho đúng chiều logo là được.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i7-12700K
- Mainboard: ASUS ROG Maximus Z790 Extreme
- RAM: Lexar ARES RGB DDR5-6000 32 GB (2 x 16 GB)
- VGA: NVIDIA GeForce RTX 4070 Founders Edition
- Cooler: Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux White Edition
- SSD: Samsung 960 Pro 1 TB
- PSU: CORSAIR RM1200x SHIFT
- Kem tản nhiệt: Thermal Grizzly Kryonaut
Như thường lệ, mình thử nghiệm tản nhiệt với vi xử lý Intel Core i7-12700K, chạy mặc định nhưng không giới hạn công suất, điều kiện phòng có máy lạnh, nhiệt độ khoảng 28 độ C. Tất cả các trường hợp là quạt tự động điều chỉnh bởi hệ thống. Lý do mình chọn Core i7-12700K là để đồng bộ hóa và cho anh em theo dõi cũng như so sánh dễ dàng. Ngoài ra, Core i7-12700K cũng có thể thử nghiệm với Prime95, kéo hết khả năng của CPU để nó có thể đạt được ngưỡng nhiệt cao nhất. Có thể nói nếu đã vượt qua được Prime95, gần như không có bất kỳ tác vụ nào làm khó được mẫu tản nhiệt đó nữa. Theo kinh nghiệm cá nhân, mức chênh lệch nhiệt độ giữa chạy dựng hình liên tục bằng Cinebench R23 và Prime95 là khoảng 10 độ C.
Mình thử cho hệ thống chạy phép thử AIDA64 trong 10 phút, đo nhiệt độ bằng HWiNFO64, kết quả nhiệt độ CPU tối đa 69 độ C.
Kế đến là phép thử Cinebench R23, cho CPU dựng hình trong 10 phút, kết quả nhiệt độ cao nhất là 70 độ C.
Cuối cùng là Prime95 chạy Small FFTs, sau 10 phút, kết quả nhiệt độ Core i7-12700K tối đa 78 độ C.
Thứ khiến mình ấn tượng nhất ở Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux White Edition là kết quả của nó, mát hơn cả mẫu ASUS ROG RYUO III 360 ARGB White Edition khoảng 2 – 3 độ ở phép thử nặng nhất. Để so sánh thì RYUO III 360 lúc mới ra mắt có giá khoảng 9 triệu đồng (hiện tại vài cửa hàng có giá khoảng 8 triệu), trong khi PL360 Flux White tầm khoảng dưới 5 triệu đồng. Nếu anh em có lỡ quên thì RYUO III 360 là 1 trong những mẫu tản nhiệt AIO đầu tiên trang bị bơm Asetek thế hệ 8, hiệu năng cao hơn cả mẫu flagship RYUJIN II 360, và PL360 Flux còn cao hơn thế. Độ ồn quạt SickleFlow cải tiến cũng nhỏ hơn so với ROG AF 12S ARGB.
Không chỉ yên lặng và mát mẻ, Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux White Edition còn ghi điểm ở phụ kiện đa dạng, chăm chút tỉ mỉ ở chi tiết (bọc lưới dây quạt) và khả năng hỗ trợ. Nhà sản xuất cung cấp cho anh em những lựa chọn tùy theo nhu cầu như tự trét kem tản nhiệt (anh em có thể sử dụng kem tốt hơn và loại tặng kèm dùng cho việc khác chẳng hạn), điều khiển và đồng bộ LED RGB. Điểm mình chưa ưng nhất khi trải nghiệm PL360 Flux White là ốc cố định block nước lên khung đỡ hơi nhỏ, ngón tay mình hơi lớn và việc thao tác sẽ gặp chút khó khăn. Ở khoảng giá này thì chắc chắn không thể đòi hỏi những phụ kiện “ăn chơi” cao cấp như màn hình hiển thị thông tin được, còn xét về hiệu năng và giá bán, MasterLiquid PL360 Flux White Edition là lựa chọn mà anh em có thể tham khảo khi tìm giải pháp tản nhiệt cho CPU dòng cao.
Migovi đánh giá