Đánh giá Bo mạch chủ ASRock B760M PG SONIC WiFi

ASRock B760M PG SONIC WiFi là mẫu Bo mạch chủ mới nhất, trang bị chipset Intel B760 trong dải sản phẩm có thiết kế phong cách của hãng.

Có thể nói ASRock là 1 trong những thương hiệu có tuổi đời không quá “già” như nhiều cái tên khác trên thị trường sản xuất Bo mạch chủ, thế nhưng hãng rất chịu khó thay đổi và sáng tạo. Ngoài việc trang bị những tính năng độc đáo, giá bán hợp lý và biết lắng nghe khách hàng, gần đây ASRock còn đi đầu trong thiết kế ngoại hình sản phẩm. Một trong những dòng sản phẩm mới nổi gần đây có thể kể đến như LiveMixer, và trong bài viết này là kết quả của sự hợp tác cùng SEGA – Sonic the Hedgehog.

ASRock B760M PG SONIC WiFi sử dụng chuẩn Micro ATX, phù hợp cho nhiều kiểu thùng máy từ lớn đến gọn. Tổng thể chiếc Bo mạch chủ này có tông kết hợp giữa đen, trắng và “xanh Sonic” rất đặc trưng. Những họa tiết thiết kế không chỉ nằm trên phần tản nhiệt mà còn ở ngay trên bề mặt PCB, tạo sự liên tục và đẹp mắt.

Sản phẩm sử dụng chipset Intel B760 – dòng chipset trang bị cho những Bo mạch chủ tầm trung, hỗ trợ vi xử lý socket LGA 1700, gồm Alder Lake-S thế hệ 12 và Raptor Lake-S thế hệ 13.

Khoảng trống ngay cạnh khe PCIe X16 là vị trí dành cho card không dây Intel AX211NGW. Việc ASRock đặt card WiFi ở vị trí này có điểm hay là dễ truy cập khi cần thay thế, tuy nhiên phải kéo dây nối dài antenna ra phía back I/O shield, nhưng đây là mẫu Bo mạch chủ được tích hợp WiFi, tức B760M PG SONIC WiFi có kết nối không dây WiFi 6E, kèm Bluetooth 5.3 mới nhất, bạn không cần phải lo lắng về việc đi dây antenna nữa.

ASRock tích hợp sẵn I/O shield cho B760M PG SONIC WiFi, có logo SONIC và các đường chỉ xanh dương trên nền trắng rất đẹp, đồng thời cũng giúp cho chiếc Bo mạch chủ trở nên cứng cáp hơn hẳn. Các cổng kết nối gồm 1 DisplayPort 1.4, 1 HDMI, 2 đầu gắn antenna WiFi, 2 USB 2.0, 1 PS/2 (chuột và bàn phím đời cũ), 4 USB 3.2 Gen1, 1 USB 3.2 Gen2 Type-A (10 Gbps), 1 USB 3.2 Gen2 Type-C (10 Gbps), LAN 2.5 GbE, 3 âm thanh 3.5 mm.

Khối tản nhiệt lớn, dày và trang trí bằng những họa tiết ton-sur-ton với tổng thể chiếc Bo mạch chủ theo chủ đề SONIC, đảm nhiệm làm mát cho dàn pha nguồn 12+1+1.

ASRock không trang bị đèn debug LED 7 đoạn để theo dõi quá trình khởi động hệ thống. Bù lại, hãng tích hợp 4 đèn LED đỏ nhỏ có tính năng tương tự, nhưng đơn giản và dễ “đoán bệnh” hơn. Các LED debug này nằm ở góc trên bên phải, từ trên xuống gồm CPU, DRAM, VGA và BOOT. Gần đó là 4 khe RAM DDR5, tốc độ hỗ trợ tối đa DDR5-7200 khi ép xung, dung lượng tổng 128 GB và tương thích Intel XMP 3.0. Trong quá trình thử nghiệm, Migovi nhận thấy với bản BIOS 3.01 mới nhất thì ASRock B760M PG SONIC WiFi cũng hỗ trợ cả các kit RAM chuẩn EXPO, có thể nhận diện và kích hoạt profile dễ dàng.

Khả năng mở rộng của ASRock B760M PG SONIC WiFi gồm 1 khe PCIe 5.0 x16, 1 PCIe 4.0 x1, 3 khe M.2 PCIe Gen 4×4 (1 từ CPU và 2 từ chipset), 4 SATA 6 Gbps. Lưu trữ SATA hỗ trợ thiết lập RAID 0/1/5/10.

Đảm nhiệm phần âm thanh cho bo mạch chủ này là con chip Realtek ALC897. Đây là 1 con chip xử lý âm thanh ở mức cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu thông thường, hỗ trợ tối đa 7.1 kênh HD. Tuy nhiên, ASRock B760M PG SONIC WiFi còn tích hợp cả công nghệ Nahimic Audio cộng tác với SteelSeries, cho phép người dùng tinh chỉnh, tùy biến để mang lại chất lượng và hiệu ứng âm thanh đầu ra tùy theo phong cách mỗi người.

Con chip Super I/O của Nuvoton – NCT6796D-E – giúp theo dõi các thông số quan trọng trong hệ thống máy tính, từ điện thế, tốc độ quạt và cả nhiệt độ. Gần đó là các đèn LED RGB, phát sáng và điều khiển đồng bộ hóa trong quá trình hoạt động. Dải các đèn LED này sẽ chiếu sáng ngay bên dưới lớp giáp tản nhiệt SSD M.2, vì vậy không gây chói, có độ sáng hợp lý.

Đây là chipset Intel B760, được tản nhiệt bằng khối nhôm và thermal pad. Hoạt tiết bên trên khối tản nhiệt chipset là nhím Sonic. ASRock đặt 2 khối cao su ở 2 góc của chipset, giúp cố định phần tản nhiệt tốt và cân bằng hơn khi lắp đặt.

Mặt dưới mainboard B760M PG SONIC WiFi cũng đồng bộ với thiết kế tổng thể, hình ảnh nhím SONIC đang chạy tốc độ rất quen thuộc với nhiều người. Dù mặt sau PCB thường không được chú ý và cũng không lộ diện trong thùng máy, thế nhưng điểm này có thể cho thấy sự tỉ mỉ và chăm chút của ASRock đối với những sản phẩm của mình, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Đầu kết nối eDP 1.4, hỗ trợ độ phân giải tối đa Full HD, tần số quét 60 Hz. Đây là kết nối rất hiếm khi xuất hiện ở những Bo mạch chủ khác trên thị trường, và ASRock tích hợp nó để có thể sử dụng với 1 phụ kiện rất thú vị – Side-Panel hay còn gọi là màn hình phụ gắn hông thùng máy. ASRock Side Panel Kit là 1 màn hình phụ kích thước 13.3 inch gắn ở hông case, có thông số kỹ thuật và chức năng hiển thị như 1 màn hình rời thông thường. Điểm đặc biệt của Side Panel Kit là không cần cấp thêm điện, hay nói đúng hơn, tất cả mọi thứ từ nguồn, dữ liệu hình ảnh… đều được truyền qua giao tiếp eDP (embedded DisplayPort).

Về hiệu năng sản phẩm, trên hình là dàn pha nguồn 12+1+1 50A sử dụng Mosfet Dr.MOS chất lượng cao mà ASRock trang bị cho 1 chiếc Bo mạch chủ tầm trung như B760M PG SONIC WiFi. Các thành phần nguồn được điều khiển bởi con chip Richtek RT3628AE đồng bộ, hỗ trợ 2 đường ra và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của Intel IMVP9.1. RT3628AE sử dụng G-NAVPTM (Green Native Adaptive Voltage Positioning) – cấu trúc liên kết độc quyền của Richtek, giúp dễ dàng thiết lập độ dốc điện áp để đáp ứng nhu cầu của CPU Intel về AVP. Các chức năng bảo vệ của RT3628AE gồm có OV (Over Voltage), UV (Under Voltage), OC (Over Current), ULVO (Under Voltage LockOut).

Realtek RTL8125BG cung cấp cổng mạng LAN 2.5 GbE. Cạnh đó là ASMedia ASM1074 điều khiển các cổng USB 3.2 Gen1. Góc chụp này còn cho thấy IC quản lý nguồn trên Bo mạch chủ – APW8828, nằm kế bên khe M.2 SSD.

Hình ảnh chiếc nhẫn dịch chuyển của nhím SONIC được gắn lên phần nhựa ốp I/O shield là dạng hình nổi 3 chiều, được tạo ra với hiệu ứng Lenticular. Không có đèn ở khu vực này nhưng người dùng vẫn cảm thấy thú vị khi thay đổi góc nhìn cũng sẽ tạo ảo giác về chuyển động quay của nhẫn.

Cấu hình thử nghiệm (Toàn bộ cài đặt BIOS được để ở chế độ mặc định, bật XMP)

  • CPU: Intel Core i5-13600K
  • Mainboard: ASRock B760M PG SONIC WiFi
  • RAM: CORSAIR VENGEANCE DDR5-6000 16 GB x 2
  • SSD: Samsung 960 Pro 1 TB
  • VGA: AMD Radeon RX 6800 XT MBA
  • PSU: CORSAIR RM850e

ASRock không chỉ đơn giản thay đổi ngoại hình của sản phẩm mà còn đồng bộ hóa nó với cả khu vực UEFI/BIOS theo đúng chủ đề. Phần nền khi người dùng truy cập vào UEFI/BIOS cũng là màu xanh dương đặc trưng cùng hình ảnh nhím SONIC ở bên phải. Hệ thống BIOS được phát triển tốt, trực quan và dễ thao tác cũng như tìm kiếm. Chipset B760M không hỗ trợ ép xung vi xử lý, nhưng người dùng hoàn toàn có thể ép xung RAM để tăng thêm hiệu năng khi có nhu cầu. Migovi thử nghiệm kéo kit RAM DDR5-6000 lên mức DDR5-6400 hoặc “siết” CAS dễ dàng mà không gặp vấn đề gì.

Các thử nghiệm cho thấy Chiếc Bo mạch chủ ASRock B760M PG SONIC WiFi không có gì để phàn nàn về mặt hiệu năng hay trải nghiệm sử dụng. Điều đáng để nhắc đến ở đây là thiết kế ngoại hình, cụ thể hơn là họa tiết vật lý trên bo mạch cũng như giao diện điều khiển mới, mang lại sự thú vị và mới vẻ lúc sử dụng. Nếu như những sản phẩm chipset Intel Z Series sẽ có sự khác biệt về khả năng ép xung do nhiều yếu tố, dòng bo mạch chủ chipset B Series như B760M PG SONIC WiFi sẽ dễ dàng chiếm lấy cảm tình của người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Với giá bán lẻ 5,390,000 đồng, hiệu năng trên B760M PG SONIC WiFi tương đương trên các Bo mạch chủ Z Series phổ thông, vậy chẳng có lý do gì để chúng ta phải tiếp tục chọn những mẫu mã đã quá quen thuộc và an toàn, lúc này B760M PG SONIC WiFi sẽ trở nên thực sự nổi bật trong phân khúc Micro ATX tầm trung ngoài thị trường.

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^