Đánh giá chi tiết bo mạch chủ ASRock B650E Taichi

ASRock B650E Taichi là 1 trong những lựa chọn bo mạch chủ tốt nhất phân khúc tầm trung cho CPU AMD Zen 4 trên nền tảng chipset B650.

Kế tiếp phiên bản tiền nhiệm B550 Taichi, ASRock giới thiệu Bo mạch chủ B650E Taichi là 1 trong những lựa chọn bo mạch chủ tốt nhất phân khúc tầm trung cho CPU AMD Zen 4 trên nền tảng chipset B650.

ASRock B650E Taichi được thiết kế nhắm đến ngưỡng cao nhất của phân khúc tầm trung, sử dụng chipset AMD B650E. Xét về cấp bậc thì B650E đứng vị trí thứ 3, sau X670E và X670, hỗ trợ đầy đủ những công nghệ mới nhất mà nền tảng AMD Zen 4 cung cấp.  Với B650E, các nhà sản xuất có thể trang bị PCIe 5.0 hoặc không, đồng thời cũng sở hữu nhiều làn PCIe 4.0 hơn, và ASRock quyết định kết hợp những tùy chọn cao nhất để tạo ra B650E Taichi – dòng sản phẩm hàng đầu của hãng.

Tổng quan, ASRock B650E Taichi là bo mạch chủ kích thước ATX tiêu chuẩn, sử dụng tông đen chủ đạo với những điểm nhấn vàng đồng cùng họa tiết bánh răng của Taichi series. Sản phẩm trông cực kỳ cứng cáp và chất lượng không chỉ nhờ khối tản nhiệt lớn, có tích hợp quạt làm mát cho dàn pha nguồn, mà còn đến từ các chi tiết trang trí sang trọng. Phần hộp đựng bo mạch chủ khá lớn, nặng và bản thân mainboard cũng rất cứng chắc. Nếu không nhìn tên, khó ai có thể nghĩ rằng đây là 1 bo mạch chủ tầm trung với chipset B650E.

Khả năng hỗ trợ của bo mạch chủ ASRock B650E Taichi là các vi xử lý AMD Ryzen 7000 Series, kiến trúc Zen 4. Có 4 khe cắm RAM DDR5 trên thiết bị, cho phép thiết lập cấu hình kênh đôi, tốc độ lên tới DDR5-6600+ khi ép xung và tổng dung lượng lớn nhất 128 GB. Tuy trên nền tảng AMD AM5 nhưng ASRock đã có BIOS/UEFI với khả năng hỗ trợ cấu hình RAM theo cả profile XMP (Extreme Memory Profile) và EXPO (EXTended Profiles for Overclocking). Điều này cũng có nghĩa là người dùng hoàn toàn thoải mái khi chọn mua RAM DDR5 trên thị trường, không nhất thiết phải tìm đúng kit EXPO, đây là một điểm cộng cho ASRock.

Khối  tản nhiệt cho chipset AMD B650E khá lớn và được trang trí bằng những chi tiết bánh răng cơ khí, rất đẹp và đặc trưng của Taichi Series. Ngay cạnh đó là logo Taichi, có đèn LED RGB ẩn bên dưới, đồng bộ với hệ thống và các thiết bị khác. Vị trí logo này sẽ không bị che mất khi người dùng sử dụng card đồ họa dày, thậm chí tới 3 slot PCI.

Đây là khối nhôm tản nhiệt cho SSD, bên dưới là 2 slot M.2 lấy băng thông PCIe 4.0 x4 từ chipset B650E. Có thể thấy những chi tiết cắt chéo, vát cạnh kim cương mà ASRock thiết kế trên B650E Taichi là rất đẹp và sang.

Để sẵn sàng cho cả những mẫu vi xử lý Zen 4 đầu bảng hiện tại như Ryzen 9 7950X và thế hệ 3D V-Cache như Ryzen 9 7950X3D, bo mạch chủ cung cấp 2 đầu nguồn EPS12V 4+4 pin để đảm bảo cấp đủ điện. Ngay cạnh lỗ bắt ốc ATX là 1 đèn LED thể hiện tình trạng của chức năng BIOS Flashback.

Nằm giữa 4 khe RAM DDR5 và đầu nguồn ATX 24 pin là khe Blazing M.2, hỗ trợ SSD với giao diện PCIe 5.0 x4 mới nhất, tốc độ vượt ngưỡng 10 GBps. ASRock trang bị khối tản nhiệt cho SSD M2 này lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước, ngoài ra hãng cũng xẻ thêm nhiều khe đón gió giúp hiệu quả tản nhiệt tốt hơn.

Trên ASRock B650E Taichi thì 4 cổng SATA 6 Gbps cho các ổ cứng đời cũ sẽ được cung cấp và điều khiển bởi con chip ASMedia ASM1061.

Để tiện lợi hơn cho người dùng và cũng là 1 trong những tính năng rất được ưa thích, ASRock thiết kế sẵn nút Power và Reset ngay bên bo mạch chủ, kế đó là đèn LED debug 7 đoạn, thể hiện mã lỗi giúp theo dõi và xử lý sự cố dễ dàng. Sau khi quá trình khởi động hoàn tất, đèn LED này sẽ chuyển sang hiển thị nhiệt độ CPU theo thời gian thực.

ASRock có thiết kế backplate cho B650E Taichi, 1 phần để tăng khả năng tản nhiệt, 1 phần để gia cố độ cứng cáp và chắc chắn cho toàn bộ bo mạch chủ. Việc có backplate cũng là thứ giúp người dùng an tâm hơn trong suốt quá trình sử dụng, hạn chế cong PCB khi trang bị tản khí cỡ lớn. Logo Taichi nổi bật trên nền kim loại cũng được trang trí tại đây.

Bên dưới backplate, ASRock gắn 6 đèn LED RGB, khi ráp vào case, phần đèn này sẽ đánh vào vỏ case và phản chiếu ngược ra tạo hiệu ứng Ambient light rất đẹp, tạo điểm nhấn cho khu vực ngay bên dưới các cổng SATA và gần chipset B650 khi hệ thống lên đèn.

Con chip Super I/O Nuvoton NCT6686D và NCT6796D có chức năng theo dõi những thông số quan trọng của phần cứng, bao gồm điện thế nguồn, tốc độ quạt và nhiệt độ, hay điều khiển quạt bằng SMART FAN.

Con chip FlashBack 2 là thứ tuy ít được sử dụng nhưng có vai trò quan trọng trong việc gia tăng trải nghiệm người dùng, nhất là khi cần thiết. BIOS FlashBack cho phép cập nhật BIOS mà không cần bất cứ linh kiện nào khác trừ bản thân bo mạch chủ, đầu nguồn ATX 24 pin và USB flash drive. Mình cập nhật BIOS của ASRock B650E Taichi theo cách này và thấy rằng nó rất tiện lợi. Cổng USB hỗ trợ BIOS FlashBack được đánh dấu với phần viền màu xám trắng, nằm ngay bên cạnh cổng LAN RJ45.

Chịu trách nhiệm phần âm thanh cho ASRock B650E Taichi là con chip Realtek ALC4082, đây là con chip âm thanh chỉ được trang bị trên các Bo mạch chủ Flagship, cho phép xuất tín hiệu 6 kênh (5.1) HD. Nhà sản xuất cũng tích hợp ESS SABRE9218 DAC (130 dB SNR) cho âm thanh khi gắn ở cổng trước thùng máy, và thiết kế 1 lớp PCB riêng cho thành phần này để chống nhiễu, mang lại chất lượng tốt hơn. Công nghệ Nahimic Audio cộng tác với SteelSeries cũng xuất hiện, cho phép người dùng tinh chỉnh, tùy biến để mang lại chất lượng và hiệu ứng âm thanh đầu ra tùy theo phong cách mỗi người.

Về hiệu năng và khả năng đáp ứng cho vi xử lý Zen 4, ASRock B650E trang bị dàn pha nguồn rất chất lượng, được bê nguyên si từ trên X670E Taichi xuống với thiết kế 24+2+1 105A, và với dàn pha điện này thì X670E Taichi, X670E Taichi Carrara và B650E Taichi là những bo mạch chủ có số lượng phase khủng nhất trên các Bo mạch chủ nền tảng AM5 ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, ASRock cũng trang bị dàn tụ rắn đen 12K của Nichicon chất lượng cao của Nhật Bản, và bảng mạch PCB chất lượng cấp độ server với tận 8 layer. Controller điều khiển pha nguồn là Renesas RAA 229628 PWM, 24 pha Vcore power stage sử dụng Renesas RAA 22010540 có khả năng cung cấp dòng 105A liên tục, chỉ xuất hiện trên những dòng bo mạch chủ cao cấp của nhiều thương hiệu. Điều này chứng tỏ ASRock hoàn toàn nghiêm túc khi mang Taichi từ phân khúc cao cấp X series xuống B series, trước đây là B550 Taichi và giờ là B650E Taichi, có giá bán thấp hơn dòng cao X670E nhưng vẫn đủ sẵn sàng kết hợp với vi xử lý cao nhất.

Sự hiện diện của đội xanh dương trên bo mạch chủ nền tảng AMD là con chip Intel JHL8340, cung cấp kết nối Thunderbolt 4 với băng thông lên tới 40 Gbps. Đây cũng là 1 điểm nhấn mà ASRock trang bị cho các Bo mạch chủ cao cấp của mình, điều mà ít bo mạch chủ AM5 tầm trung nào trang bị. Với Thunderbolt 4, người dùng sẽ có thể đơn giản hóa các kết nối, từ dữ liệu cho đến nguồn điện, và cũng tiện lợi hơn.

Các cổng kết nối ở back I/O gồm nút Clear CMOS, nút BIOS FlashBack, Wi-Fi 6E, HDMI, USB 3.2 Gen 2 Type-A (gồm 2 cổng Lightning Gaming cho chuột và bàn phím chơi game), USB 3.2 Gen 1, LAN 2.5 GbE, Thunderbolt 4 USB-C, 2 cổng âm thanh 3.5 mm mạ vàng và 1 cổng quang SPDIF. I/O shield được gắn sẵn, dễ dàng trong quá trình lắp đặt vào thùng máy.

Cấu hình thử nghiệm

  • CPU: AMD Ryzen 9 7950X
  • Mainboard: ASRock B650E Taichi
  • RAM: Kingston FURY DDR5-6000 16 GB x 2
  • SSD: SSTC-PHI-E262TB
  • VGA: AMD Radeon RX 7900 XTX MBA
  • PSU: CORSAIR RM1200x SHIFT

Các thử nghiệm cho thấy bo mạch chủ ASRock B650E Taichi hoàn toàn có thể sánh vai với những sản phẩm phân khúc cao hơn về mặt hiệu năng. Thiết kế giao diện BIOS trực quan dễ thao tác, chất lượng tổng thể cứng cáp và ngầu, ngoài ra khả năng tiềm ẩn còn khá lớn. Đây là bo mạch chủ có khả năng ép xung RAM ổn, nhưng bị giới hạn ở IMC bên trong CPU nên chỉ dừng lại ổn định ở mức DDR5-6200. Khe Blazing M.2 PCIe 5.0 là điểm nhấn đáng chú ý, sẵn sàng cho những nâng cấp trong tương lai với lưu trữ chuẩn mới, tốc độ trên 10 GBps.

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^