Đánh giá CORSAIR RM1200x SHIFT – Sáng tạo mới cho modular PSU

RM1200x SHIFT là 1 bộ nguồn thể hiện được sức sáng tạo của CORSAIR trong việc nâng tầm trải nghiệm người dùng desktop tiện lợi và thoải mái.

RMx SHIFT Series là các bộ nguồn thế hệ mới vừa được CORSAIR tung ra thị trường vào tháng 2/2023, với sáng tạo lần đầu tiên trên thế giới – di chuyển đầu cắm dây rời qua mặt hông PSU. Không chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn ATX 3.0 để hỗ trợ các hệ thống desktop hiện đại, RMx SHIFT còn cho phép người dùng đi dây và thao tác dễ dàng hơn nhiều. Trong bài viết này, mình chia sẻ với anh em những trải nghiệm sau khi dùng thử mẫu CORSAIR RM1200x SHIFT.

Cách đóng gói bên ngoài của RM1200x SHIFT cũng tương tự như những sản phẩm CORSAIR khác, tông vàng đen đặc trưng. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, anh em cũng sẽ nhận ra đây là 1 sản phẩm của hãng, nhưng điểm nhấn đặc biệt lại không có đủ mức nổi bật. Bộ nguồn đạt chứng nhận 80 Plus GOLD, đi cùng chế độ bảo hành 10 năm. Thông tin mặt sau hộp cho biết RM1200x cũng đạt chứng nhận từ Cybenectics, GOLD cho hiệu suất và A- cho độ ồn.

Ở bên trong, CORSAIR giữ cố định cho RM1200x SHIFT bằng 2 nửa hộp giấy ép (dạng hộp giấy sử dụng đựng trứng) thay vì mút xốp, trong khi phần dây cáp modular thì nằm trong túi nhựa đơn giản, thậm chí dây cáp nguồn AC cũng để trần. Mình đánh giá cao cách CORSAIR đóng gói RM1200x SHIFT theo hướng bảo vệ môi trường như vậy. Chắc chắn 1 điều rằng sau khi anh em sử dụng, phần hộp đựng, mút xốp gần như bị vứt ngay, vừa lãng phí vừa tạo thêm gánh nặng cho môi trường. Tiết kiệm cho những thứ chỉ có tác dụng làm đẹp ngoại hình trong khoảng thời gian rất ngắn để tập trung cho sản phẩm là 1 điều tốt. Phụ kiện khác ngoài hướng dẫn sử dụng thì còn 10 dây rút và 4 ốc bắt nguồn.

Cáp nguồn AC (C13) có độ dài 1.4 m, dây lớn với tiết diện mỗi dây thành phần là 1.5 mm2 (16AWG).

Tổng cộng cáp modular là 16 dây, mình sắp xếp như trong ảnh để anh em dễ hình dung, hàng trên là cáp PCIe, hàng dưới là các loại khác. Tất cả dây đều là dạng bẹ (ribbon), rất ít chiếm diện tích và cho phép đi dây dễ dàng. Kèm theo RM1200x SHIFT là bộ dây đầy đủ, gồm:

Đây là dây cáp nguồn PCIe 5.0 hay còn gọi là 12VHPWR, rất khác so với phần còn lại của thế giới PSU. Hầu như các nhà sản xuất bộ nguồn khác đều sử dụng dây modular 12VHPWR theo chuẩn, nghĩa là 2 đầu 12+4 pin có thể đảo ngược khi kết nối giữa PSU và card đồ họa. Riêng với CORSAIR, hãng thiết kế 1 đầu 12+4 pin và ở phía còn lại là 2 đầu 8 pin gắn vào PSU.

CORSAIR 12VHPWR chỉ sử dụng 2 dây tín hiệu (sense) trong số 4 dây, và cho phép cấp tối đa 600 W điện. Đầu 8 pin gắn vào PSU của dây 12VHPWR cũng sẽ có cách đi dây khác hơn 1 chút so với dây PCIe thường, tuy nhiên nó vẫn tương thích và có thể sử dụng ở bất kỳ cổng cắm 8 pin nào.

RM1200x SHIFT nói riêng và RMx SHIFT Series nói chung sẽ là những sản phẩm đầu tiên chuyển qua sử dụng cáp nguồn Type 5. Khác với trước đây người dùng trong 1 số trường hợp có thể sử dụng lẫn lộn cả cáp modular Type 3 và Type 4, cáp Type 5 chắc chắc không tương thích và cũng không thể bị nhầm lẫn. Kích thước vật lý của đầu kết nối Type 5 nhỏ hơn để có thể đáp ứng được việc CORSAIR chuyển đầu cắm qua mặt hông PSU thay vì phía sau.

Phiên bản công suất 1000/1200 W sẽ dài hơn 1 chút so với lựa chọn 750/850 W. Hiện tại RMx SHIFT Series chỉ cung cấp 4 mức công suất ở phân khúc trung – cao cấp. CORSAIR không sử dụng lưới quạt riêng mà biến tấu lớp vỏ nguồn trở thành lưới quạt, với các lỗ cắt tam giác quen thuộc.

Đúng như tên gọi SHIFT, các đầu kết nối cáp modular được chuyển từ phía sau qua mặt hông. Sáng tạo đang chờ cấp bằng sáng chế của CORSAIR sẽ giúp anh em đi dây dễ hơn, gọn hơn, chừa ra khoảng trống ngay cạnh PSU cho ổ cứng.

Nếu như trước đây khi lắp đặt PSU modular vào thùng máy, mình thường gắn sẵn tất cả dây nguồn phòng trường hợp cần sử dụng trong tương lai, thì với RMx SHIFT Series mình không cần làm vậy nữa. Việc mình gắn sẵn là để hạn chế phải mò mẫm trong không gian hẹp, vừa khó thấy vừa dễ va chạm, trầy xước tay lúc thao tác tháo lắp. Ngoài ra, nguồn modular kiểu cũ thì thường sẽ cần lắp đặt hoàn chỉnh các dây rời trong hệ thống rồi mới tiến hành cố định (gắn 4 ốc). Điều này làm mất đi 1 phần ý nghĩa của thiết kế modular.

SHIFT mang tới cho anh em trải nghiệm nguồn modular đúng nghĩa. Anh em cứ cố định nguồn xong rồi mới đi dây, hoàn toàn dễ dàng mà không gặp vấn đề gì. Cáp dạng bẹ nên cũng chịu uốn nắn tốt và linh hoạt. Thông thường việc cắm dây nguồn rời chỉ thực hiện 1 lần lúc lắp ráp dàn máy, trừ 1 vài trường hợp đặc biệt hoặc khi thay đổi, nâng cấp thì anh em mới cần tháo gỡ hoặc gắn thêm cáp. Dù không phải sử dụng thường xuyên nhưng CORSAIR RMx SHIFT Series cho anh em những cảm xúc rất thú vị.

Mình so sánh RM1200x SHIFT với 2 bộ nguồn CORSAIR khác là RM850e và RM650 đời đầu. Anh em sẽ thấy có 3 kích thước, RM650 là cỡ ATX tiêu chuẩn, RM850e là ATX rút gọn (đây cũng là đặc trưng của RMe Series) và RM1200x SHIFT là cỡ ATX nhưng kích thước dùng cho công suất lớn.

Vị trí cổng cắm cáp rời sẽ được “SHIFT” qua mặt hông PSU.

So sánh kích thước vật lý của đầu cáp Type 4 trên RM850e và Type 5 của RM1200x SHIFT.

CORSAIR giữ nguyên cỡ đầu cắm nguồn từ đời đầu tiên đến nay, và Type 5 sẽ là bước đi hoàn toàn mới. Các dây được so sánh từ trái qua là Type 3, Type 4 và Type 5, đều là cáp modular PCIe.

Cách đi đường điện của CORSAIR dành cho từng đời cáp cũng khác nhau, Type 4 ở giữa.

Đây là hình ảnh mình lắp thử RM1200x SHIFT vào thùng máy CORSAIR iCUE 5000T.

Tháo lắp cáp rất thoải mái, và đặc biệt là có thể thao tác ngay cả khi PSU đã cố định vào case. Khi đi dây, cáp không bị ép gãy vì khoảng trống lớn, 1 phần khác nhờ thay đổi sang cáp Type 5 gọn gàng hơn.

Một số điểm theo mình là cần cải tiến như vị trí của 2 đầu kết nối cho cáp ATX 20+4 pin khá gần nhau, do đó khi lắp đặt thì dễ nhưng tháo ra sẽ khó, đặc biệt với những bàn tay hay ngón tay lớn.

Cấu hình thử nghiệm

  • CPU: Intel Core i9-13900KS
  • Mainboard: ASUS ROG Maximus Z790 Extreme
  • RAM: KLEVV CRAS XR5 RGB DDR5-6200 32 GB (2 x 16 GB)
  • Cooler: ASUS ROG RYUO III 360 ARGB White Edition
  • VGA: NVIDIA GeForce RTX 4080 Founders Edition
  • SSD: Kingston KC3000 1 TB
  • PSU: CORSAIR RM1200x SHIFT

Như những lần trước, thiết bị đo mình sử dụng là PassMark Inline PSU Tester. Thiết bị này có nhiều chức năng như đo điện thế/dòng/công suất của các đường điện, nhiễu trên đường điện áp chính (ripple), biến đổi điện áp theo thời gian (slew rate), định thời (timing T1, T2, T3, T6), độ dốc điện áp khởi động (turn-on slope)… PassMark Inline PSU Tester được kết nối với nguồn và hệ thống thử nghiệm (Inline Mode), đo đạc rồi gửi dữ liệu thông qua cáp USB đến phần mềm riêng trên hệ điều hành Windows.

Ban đầu mình không để ý, nhưng PSU Tester cứ liên tục báo không PASS ở phần Voltages, mình chỉ nghĩ là cắm dây chưa đủ sát. Tuy nhiên sau khi kiểm tra và thử ở cả 2 chế độ đo riêng (Standalone) và chung hệ thống (Inline), thiết bị vẫn báo tương tự. Mình tiếp tục tìm hiểu thì phát hiện ra rằng đường -12V không đo được, chính xác là làm sao đo được khi mà nó không tồn tại.

CORSAIR đã loại bỏ đường -12V ra khỏi bộ nguồn RMx SHIFT Series mới nhất, trong khi hồi năm trước, RMe Series vẫn còn giữ lại. Đường -12V đã rất lỗi thời, trước đây dùng để cấp nguồn cho các cổng nối tiếp (Serial port), nhưng những hệ thống hiện đại đã loại bỏ cổng này từ lâu. Trong 1 số trường hợp cần thiết, bản thân mainboard cũng tích hợp sẵn bộ chuyển đổi DC-DC hoặc 1 thiết bị nào đó giúp tạo ra -12V từ đường 5V hoặc 12V. Còn PSU Tester mà mình dùng cũng là phiên bản duy nhất ở thời điểm hiện tại, PassMark chưa có bản nâng cấp mới hơn, và vì thế nó sẽ hiển thị lỗi ở đường -12V. Anh em sẽ thấy kết quả báo FAIL phần Voltages nhưng không sao cả.

Các chỉ số timing T1, T2, T3 và T6 cũng như turn-on slope cùng slew rate đều đạt chuẩn. Hệ thống chạy stress CPU tiêu thụ khoảng hơn 400 W (tương đương khoảng 33.3% công suất lớn nhất của bộ nguồn), các thông số đều đạt chỉ tiêu theo phần mềm và dụng cụ đo đạc PassMark. Điện áp đường 12V1 dao động trong khoảng 11.86 – 12.05 V (sai số cao nhất 1.17%), đường 12V CPU có sai số 1.6%, đường 12V PCIe sai số 0.92%, đường 5V dao động 5 – 5.08 V (sai số cao nhất 1.6%), đường 3.3V cực kỳ ổn định với biên độ dao động rất thấp. Nhiễu điện áp trên các đường điện chính thấp và ổn định, cao nhất 104 mV ở đường 12V1 và 87 mV ở đường 12V CPU.

Khi cho chạy cả Prime95 và FurMark, hệ thống tiêu thụ khoảng 767 W, tức 64% công suất danh định của CORSAIR RM1200x SHIFT, biến thiên điện áp ở các đường điện chính vẫn ổn định. Điều này rất quan trọng vì ở tải cao và liên tục, bộ nguồn cần có sự ổn định cao để không xảy ra hiện tượng trồi sụt áp, dễ gây ra sự cố cho các thiết bị khác. Điểm đáng chú ý là nhiễu cao tần đã tăng lên, và nhiễu cao ở cả đường 12V CPU với 151 mV, đường 12V1 là 140 mV. Anh em lưu ý rằng PassMark Inline PSU Tester chưa hỗ trợ đầu 12VHPWR, vì vậy mình phải đo qua cáp chuyển đổi, và cũng chỉ hỗ trợ 2 đầu PCIe 6+2 pin. Điều này cũng có nghĩa là 767 W hiển thị trong phần mềm không thể hiện đúng mức công suất mà bộ nguồn đang tải, nó chỉ là 1 phần, do 2 đầu PCIe 6+2 pin khác cắm qua cáp chuyển 12VHPWR không qua thiết bị đo.

Nhìn chung mình đánh giá CORSAIR RM1200x SHIFT là 1 lựa chọn mới trong thị trường nguồn máy tính ATX 3.0. Có thể nói về chất lượng, vẫn có các sản phẩm tương đương RM1200x SHIFT nhưng độ sáng tạo thì khó có hãng nào sánh được. SHIFT Series mang đến trải nghiệm lắp ráp máy tính hoàn toàn mới, tiện hơn, linh động hơn và thoải mái hơn, đặc biệt là nó nâng tầm ý nghĩa của thiết kế modular – thứ mà từ trước đến nay vẫn có nhưng ít khi được sử dụng.

Migovi đánh giá

Migovi Ultra Rating

One thought on “Đánh giá CORSAIR RM1200x SHIFT – Sáng tạo mới cho modular PSU

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^