Hiện tại, Intel Core i9-13900KS đang giữ danh hiệu vi xử lý nhanh nhất thế giới cho máy tính để bàn, với mức xung boost cao nhất tới 6 GHz.
Chưa đầy 1 năm sau khi Core i9-12900KS xuất hiện, Intel tiếp tục cho ra mắt Core i9-13900KS, kế thừa danh hiệu vi xử lý desktop nhanh nhất thế giới, hiện tại ở mức xung boost 6 GHz. Đây là lần đầu tiên người dùng dễ dàng sở hữu 1 mẫu CPU hoạt động ở tốc độ cao như vậy – ngưỡng xung mà cách đây vài năm chỉ có thể thấy qua video, hình ảnh hay trên bảng xếp hạng HWBOT từ kết quả của overclocker chuyên nghiệp.
Intel giới thiệu các vi xử lý thế hệ 13 – Raptor Lake-S – hay cụ thể hơn là Core i9-13900K vào ngày 27/9/2022, trang bị những nâng cấp mới trong khi giữ lại thông số đáng giá của thế hệ trước. Hơn 3 tháng sau, ngày 12/1/2023, phiên bản đặc biệt của Core i9-13900K – Intel Core i9-13900KS – đã chính thức lộ diện. Với khoảng chênh lệch giá đề xuất là 110 USD (699 USD so với 589 USD), anh em sẽ sở hữu 1 trong những đế silicon có chất lượng cao nhất. Bản chất Core i9-13900KS cũng chính là Core i9-13900K nhưng là phiên bản hoàn hảo, có khả năng chịu được ngưỡng xung boost đến 6 GHz mà vẫn ổn định, trong khi bản thường dừng lại ở 5.8 GHz. 200 MHz cách biệt có thể không quá lớn, không đủ để tạo ra nhiều thay đổi về mặt hiệu năng, nhưng đây là những con chip tốt nhất mà Intel tạo ra và lựa chọn được trong dây chuyền sản xuất Raptor Lake-S. Điều này vô cùng ý nghĩa với các tay ép xung chuyên nghiệp, họ không phải mất thời gian để thử và tìm kiếm trong hàng đống Core i9-13900K đang có trên thị trường, chỉ cần mua Core i9-13900KS và tập trung tìm ra giới hạn tối đa từ chính kỹ năng OC cá nhân.
Trên tiến trình Intel 7, Core i9-13900KS trang bị nhân Performance dùng vi kiến trúc Raptor Cove, thiết kế cho các tác vụ nặng, cung cấp hiệu năng cao cho game hay các phần mềm tận dụng lợi thế đơn nhân. Trong khi đó nhân Efficient của vi xử lý dựa trên kiến trúc Gracemont, cải tiến hơn thế hệ trước, được dùng cho tác vụ nền, cần sức mạnh đa nhân như mã hóa hay dựng video. Raptor Lake-S vẫn sử dụng socket LGA 1700, vì vậy anh em đang chạy Core i9-12900KS có thể nâng cấp lên Core i9-13900KS để tiếp tục sở hữu hệ thống desktop nhanh nhất hành tinh.
Intel Core i9-13900KS có 8 nhân Performance, 16 nhân Efficient, tổng 24 nhân thực và 32 luồng. Xung gốc của nhân P là 3.2 GHz (cao hơn 200 MHz), Turbo 5.4 GHz, Turbo Boost Max 3.0 đạt 5.8 GHz (cao hơn 100 MHz, ngang Core i9-13900K ở TVB) và đạt 6 GHz khi Thermal Velocity Boost kích hoạt. Nhân E có xung gốc 2.4 GHz (cao hơn 200 MHz) và Turbo ở 4.3 GHz. Bộ đệm Intel Smart Cache của vi xử lý là 36 MB, tăng 6 MB so với Alder Lake-S và chia đều phần tăng cho 2 cluster nhân. Bộ đệm L2 cũng cải thiện, tăng thêm dung lượng cho mỗi nhân P và E, từ đó cho hiệu năng cao hơn trong các tác vụ đa luồng, tăng IPC.
Đóng gói của Intel Core i9-13900KS tương tự như bản thường, có nghĩa là nó gọn gàng hơn so với Alder Lake-S, tuy nhiên điểm khác biệt nằm ở logo Special Edition bạc và tông xanh trên toàn vỏ hộp đậm hơn.
Core i9-13900KS mình thử nghiệm trong bài viết này được lắp ráp và kiểm định tại nhà máy Intel ở Việt Nam, do đó có dòng chữ Made in Vietnam ở tem sản phẩm. Mẫu Core i9-12900KS mình từng mở hộp trước đây cũng vậy. Nhà máy Intel Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới, trong khi đó nhà máy sản xuất chip Intel lớn nhất thì nằm ở Israel. Năm 2021, nhà máy Intel Việt Nam cũng đã tự xử lý hoàn thiện đế chip, góp phần giảm bớt khó khăn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Mở hộp vi xử lý nhanh nhất thế giới cho máy tính để bàn – Intel Core i9-13900KS.
Không chỉ thay đổi về kích thước đóng gói, CPU Raptor Lake-S cao nhất cũng nằm trong “hộp wafer” khác so với Alder Lake-S. Nếu như anh em nhận được hộp nhựa mô phỏng hình dáng tấm wafer chứa CPU bên trong ở thế hệ 12 thì Core i9-13900K/KS nằm trong hộp wafer màu bạc.
Đây là CPU Intel Core i9-13900KS, nằm chắc chắn và êm ái bên trong hộp nhựa.
Nền tảng để mình thử nghiệm Core i9-13900KS là mainboard cao cấp nhất – ASUS ROG Maximus Z790 Extreme. Đây cũng là mainboard mình đã từng sử dụng để đánh giá Core i9-13900K lúc vừa ra mắt, có thiết kế pha nguồn 24+1, RAM DDR5, 5 khe M.2 SSD, khe SSD PCIe 5.0 NVMe, khe PCIe 5.0 x16 cùng hàng loạt những kết nối và công nghệ mới nhất mà ASUS có thể nghĩ ra. Dàn 24+1 pha nguồn 105A, cuộn cảm hợp kim chất lượng cao và tụ rắn kim loại cho phép tạo ra dòng diện ổn định và sạch nhất để cung cấp cho vi xử lý cao cấp. Có thể nói nếu không nhắm đến ép xung hardcore và chuyên nghiệp thì ROG Maximus Z790 Extreme là 1 trong số ít lựa chọn mainboard đỉnh cao mà anh em có thể mua được trên thị trường.
Kit RAM mình sử dụng cho hệ thống là KLEVV CRAS XR5 RGB DDR5-6200 32 GB (2 x 16 GB), từng nhận được giải thưởng thiết kế “Red Dot Award”. RAM có tản nhiệt kim loại dày, bên trên là đèn LED RGB và dải tản sáng theo dạng vòng, trong khi chip nhớ do SK hynix cung cấp, hỗ trợ XMP 3.0.
Tản nhiệt nước AIO cho Core i9-13900KS là mẫu ASUS ROG RYUO III 360 ARGB White Edition. Trang bị giải pháp bơm thế hệ 8 của Asetek, ROG RYUO III 360 ARGB White Edition mang lại hiệu năng làm mát rất tốt, đủ sức gánh CPU nhanh nhất thế giới ở đúng ngưỡng TDP được thiết kế.
Đồ họa rời mình chọn NVIDIA GeForce RTX 4080 Founders Edition. Đây là mẫu card cao cấp chỉ nằm dưới RTX 4090, cho hiệu năng đồ họa đủ sức để anh em chơi game 4K thoải mái.
Về bộ nguồn, sản phẩm sử dụng là mẫu PSU mới nhất của CORSAIR vừa ra mắt gần đây – RMx SHIFT Series. Cụ thể mình dùng CORSAIR RM1200x SHIFT để cấp điện cho toàn bộ hệ thống cao cấp, và điều đáng ngạc nhiên là rất ít khi quạt nguồn phải làm việc, chứng tỏ thiết kế bên trong và giải pháp tản nhiệt của PSU có hiệu quả cao, cũng như mức tải 1200 W là quá dư sức cho những linh kiện hiện tại. CORSAIR RMx SHIFT Series là những bộ nguồn máy tính đầu tiên trên thế giới có thiết kế đầu cắm dây rời (modular) ở mặt hông, cho phép đi dây dễ dàng hơn trong thùng máy. Và chắc chắn ra mắt mới trong thời điểm này, RMx SHIFT Series đạt chuẩn ATX 3.0, đáp ứng cho card đồ họa PCIe 5.0.
Đánh giá CORSAIR RM1200x SHIFT – Sáng tạo mới cho modular PSU
Khi chuyển vị trí cắm dây modular từ phía sau sang bên hông, CORSAIR đã hoàn toàn thay đổi cách người dùng lắp ráp máy tính, nâng cao tính linh hoạt và tạo ra nhiều không gian trống hơn. Ngoài ra, đầu cắm mặt hông sẽ hạn chế tình trạng bẻ cong đầu dây, nhất là cáp EPS12V 4+4 cho CPU, từ đó giảm căng dây và tăng tuổi thọ, độ bền trong khoảng thời gian dài. Quạt làm mát trang bị cho RM1200x SHIFT có kích thước 140 mm, fluid dynamic bearing, điều tốc, chế độ Zero RPM không hoạt động nếu dưới ngưỡng nhiệt và mức tải thiết lập.
Phiên bản BIOS mình cập nhật cho mainboard là 0816, anh em nếu đã đang sử dụng vi xử lý Raptor Lake-S rồi thì không cần cập nhật BIOS mới, vì bản chất Core i9-13900K và Core i9-13900KS là giống nhau. Hệ thống mình không lắp ráp vào thùng máy mà để trên mặt bàn, kem tản nhiệt Thermal Grizzle Kryonaut Extreme, 3 quạt thổi, phòng có máy lạnh với nhiệt độ khoảng 28 độ C.
Ở các phép thử nghiệm, Core i9-13900KS đều cho kết quả vượt trội hơn 1 chút so với Core i9-13900K, cá biệt khi benchmark bằng CPU-Z, điểm số đơn nhân cao hơn 2% (933.5 so với 916.7 ở bài đánh giá Core i9-13900K trên Tinh tế), trong khi đa nhân cũng tăng tương ứng 2.5% lên 16885.5 so với 16470.2. Tất cả những thử nghiệm đều chỉ ra rằng Core i9-13900KS nhanh hơn, nhưng điểm quan trọng như mình đã nói ở đầu bài, đây là những con chip hàng tuyển, có chất lượng đế silicon cực cao nếu không muốn nói là hoàn hảo nhất trên dây chuyền Raptor Lake-S hiện tại. Nếu đủ thời gian, anh em có thể thử ép xung hoặc hạ điện thế để CPU hoạt động mát hơn và cung cấp sức mạnh không đổi.
Về nhiệt độ, mình cho chạy Cinebench R23 trong 10 phút, kết quả nhiệt cao nhất đo được bằng HWiNFO64 là 95 độ. Lưu ý rằng nhiệt độ phòng ở lần thử nghiệm này cao hơn so với 13900K trước đây, và cũng chỉ thiết lập 3 quạt thổi thay vì 6 quạt push – pull. Mình có giới hạn MTP của CPU trong BIOS như thông số của Intel – 253 W tối đa. Anh em cũng thấy trong HWiNFO, có lúc con chip đạt được ngưỡng Thermal Velocity Boost 6 GHz như quảng cáo, và theo mình quan sát thì nó rất thường nhảy lên mức xung này, nhất là khi chạy các tác vụ đơn/ít nhân.
Nhìn chung Intel Core i9-13900KS đang nắm giữ vương miện vi xử lý desktop nhanh nhất hành tinh mà anh em có thể dùng tiền để mua được. Thay vì mua Core i9-13900K theo kiểu xổ số và mong chờ trúng độc đắc silicon, anh em có thể chi thêm 110 USD và sở hữu luôn Core i9-13900KS, với những công đoạn binning đã được đội ngũ Intel xử lý toàn bộ. Core i9-13900KS không chỉ hoạt động ở tốc độ cao, cho ra hiệu năng mạnh mẽ mà nó còn tích hợp IMC (Integrated Memory Controller) có chất lượng rất tốt. Điều này được thể hiện qua việc khiển RAM DDR5 ổn định ở xung cao dễ dàng hơn, điều mà thế hệ Alder Lake-S chưa thực sự hiệu quả.