Đánh giá ROG Strix SCAR 17 SE – Siêu mạnh với Core i9-12950HX

ASUS trang bị Intel Core i9-12950HX và GeForce RTX 3080 Ti Laptop cho ROG Strix SCAR 17 SE – mang lại trải nghiệm gaming di động cực mạnh.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Raptor Lake-HX đã xuất hiện, thế nhưng ROG Strix SCAR 17 SE vẫn là 1 trong những mẫu gaming laptop có sức mạnh hàng đầu. Hiệu năng của ROG Strix SCAR 17 SE có được là nhờ sự kết hợp giữa vi xử lý di động Alder Lake-HX mạnh nhất – Core i9-12950HX – và đồ họa rời cao cấp NVIDIA GeForce RTX 3080 Ti Laptop. Ở ngoại hình, ASUS cũng đặc biệt tỉ mỉ thiết kế để mang đến tính ấn tượng nhưng không lòe loẹt. ROG Strix SCAR 17 SE là gaming laptop nhưng nó vẫn có đủ nét sang trọng và lịch lãm để người dùng thoải mái sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.

ASUS tập trung vào nâng cấp hiệu năng cho dòng sản phẩm ROG Strix SCAR, và với hậu tố SE, hãng bổ sung thêm những điểm nhấn đặc biệt để biến thiết bị trở nên độc đáo. Thuộc phân khúc gaming laptop cỡ 17 inch, Strix SCAR 17 SE vẫn có kích thước tương đối lớn, dày, nhưng tổng thể lại không quá gồ ghề hay thô mà trái lại, mang đến cảm giác gọn gàng, chắc chắn. Nắp máy có logo ROG với đèn nền RGB đặt lệch về 1 bên, phần còn lại thiết kế các họa tiết đặc trưng, nhưng ẩn mình. Nhờ in bằng lại mực đặc biệt, phần trang trí này chỉ hiện lên dưới ánh sáng UV (ultraviolet), có thể là ánh nắng mặt trời, hoặc cũng có thể từ đèn UV do người dùng chủ động chiếu vào.

Cạnh trước máy có dải đèn LED RGB ẩn bên dưới, có thể đồng bộ hóa với đèn bàn phím cũng như các chế độ và hiệu ứng chuyển động. Các cổng kết nối tập trung chính ở cạnh sau và 1 phần bên trái. Chúng ta có 1 cổng âm thanh 3.5 mm, 1 cổng HDMI 2.1 FRL, 2 cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A, 1 cổng USB 3.2 Gen 2 Type-C (hỗ trợ chức năng DisplayPort, Power Delivery và G-SYNC), 1 cổng RJ45 và 1 cổng Thunderbolt 4.

ASUS bố trí bàn phím đầy đủ với kiểu chiclet cho ROG Strix SCAR 17 SE, phía dưới mỗi phím có đèn nền RGB và có thể điều khiển riêng biệt. Cạnh trên là hàng phím chức năng, cho phép điều chỉnh nhanh chóng hoặc chuyển đổi chế độ hoạt động, hay kích hoạt Armoury Crate. Phần touchpad có diện tích lớn, bề mặt kính mang lại cảm giác di chuột thoải mái và chính xác. Dĩ nhiên touchpad này chưa tận dụng hết được khoảng không gian trống bên dưới, điều này cũng không cần thiết do bản chất ROG Strix SCAR 17 SE tập trung vào game, và gần như không game thủ nào chiến đấu với touchpad cả.

Màn hình trên ASUS ROG Strix SCAR 17 SE có kích thước 17.3 inch, độ phân giải WQHD 2560 x 1440, tấm nền IPS góc nhìn rộng, màu sắc chuẩn xác, bao phủ 100% không gian màu DCI-P3. ASUS phủ lớp chống chói giúp sử dụng dễ dàng trong nhiều điều kiện môi trường. Điểm nhấn của màn hình dành cho game này là tần số quét 240 Hz, thời gian đáp ứng 3 ms. Thiết kế của màn hình có 3 cạnh mỏng, bù lại không tích hợp webcam, do đó đôi lúc sẽ gây khó khăn khi có nhu cầu sử dụng.

Về cấu hình, không quá khi nói ROG Strix SCAR 17 SE là 1 trong những mẫu gaming laptop mạnh nhất hiện nay, ngay cả khi Raptor Lake-HX đã xuất hiện. Bộ đôi Core i9-12950HX và GeForce RTX 3080 Ti Laptop đủ sức gánh hầu hết các tựa game ở độ phân giải 2K, tối đa thiết lập đồ họa. Pin theo máy có dung lượng 90 Whr, thời gian sử dụng nếu chỉ phát video sẽ được khoảng 8.5 giờ. Máy có thể được sạc thông qua cổng Type-C với công suất 100 W Power Delivery, riêng adapter 330 W kèm theo có thể sạc nhanh 50% trong 30 phút.

Intel Core i9-12950HX là “đại ca” của Alder Lake-HX Series, sở hữu 16 nhân gồm 8 nhân Performance và 8 nhân Efficient, tổng cộng 24 luồng, mức xung hoạt động tối đa 5 GHz và có bộ đệm Intel Smart Cache dung lượng 30 MB. Nhân Performance hỗ trợ công nghệ Siêu phân luồng, kiến trúc Golden Cove, trong khi nhân Efficient sử dụng kiến trúc Gracemont, tất cả sản xuất trên tiến trình Intel 7 (10 nm Enhanced SuperFin). Vi xử lý này có PBP 55 W và MTP 157 W, tích hợp đồ họa UHD Graphics, xung 1.55 GHz. Khả năng hỗ trợ bộ nhớ trong của Alder Lake-HX là DDR5-4800 hoặc DDR4-3200 – loại bộ nhớ tiêu chuẩn để phù hợp cho hệ thống chơi game hiệu năng cao, thay vì loại tiết kiệm năng lượng LPDDR.

Intel Thread Director là 1 trong những thứ ấn tượng và sáng tạo nhất mà Alder Lake mang lại cùng với kiến trúc nhân lai. Công nghệ này được xây dựng trực tiếp ngay trong phần cứng, cung cấp các tập lệnh đặc biệt để đảm bảo phân phối đúng luồng công việc vào đúng nhân xử lý và đúng thời điểm. Nhân Performance tập trung vào các tác vụ chủ động, nặng nề và quan trọng (game, đồ họa, dựng hình…), trong khi nhân Efficient dành cho các tác vụ chạy nền, cần ít năng lượng và năng lực xử lý. Khi cần thiết, Thread Director sẽ hoán đổi vai trò của P-core và E-core để đáp ứng nhu cầu công việc, đồng thời luôn tối ưu hóa năng lượng sao cho đúng lúc và đúng chỗ nhất. Với Raptor Lake-S, Thread Director thậm chí còn cải tiến và thông minh hơn nữa. Thread Director trên CPU Intel thế hệ 13 được thiết kế để có thể nâng cấp và tinh chỉnh, từ đó cải thiện theo thời gian. Intel cập nhật công cụ giúp phân loại khối lượng công việc bằng các thuật toán ML (Machine Learning), ngoài ra còn cải thiện xử lý các tác vụ foreground và background.

Không chỉ có hệ thống tản nhiệt buồng hơi để chịu được công suất nhiệt đến 240 W, ASUS cũng sử dụng kim loại lỏng (Thermal Grizzly Conductonaut Extreme) để lấp đầy khoảng trống li ti giữa đế tản nhiệt và bề mặt vi xử lý. Mức 240 W bao gồm 65 W của CPU và 175 W từ GPU, chế độ Manual, trong khi đó chế độ Turbo sẽ là 230 W. Các khe thoát nhiệt có tới 4, gồm 2 phía sau và 1 ở mỗi cạnh bên, cho phép nhiệt độ được thải ra môi trường nhanh nhất khi quạt làm mát Arc Flow 84 cánh hoạt động. Độ ồn khi ROG Strix SCAR 17 SE ở chế độ Performance là chưa tới 40 dBA.

Migovi thử nghiệm ASUS ROG Strix SCAR 17 SE với những phép thử quen thuộc, hệ thống hoàn thành xuất sắc, đồng thời cũng thể hiện được sức mạnh cực đỉnh. Thực tế sử dụng thì những trải nghiệm là vô cùng mượt mà, tuy nhỏ gọn trong thân hình laptop nhưng hoàn toàn có thể thay thế 1 hệ thống desktop đồ sộ hơn nhưng vẫn cung cấp hiệu năng hàng đầu. ASUS trang bị MUX Switch cho sản phẩm, giúp người dùng chuyển đổi và tắt hẳn iGPU, từ đó cải thiện thêm hiệu năng dựng hình của dGPU. Những tựa game eSports như CS:GO đạt đến khoảng 300 fps, và nếu bật G-SYNC thì sẽ là 1 lợi thế lớn khi thi đấu. Chưa dừng lại ở đó, những tựa game AAA sẽ rực rỡ và chi tiết hơn trên màn hình 100% DCI-P3, độ phủ màu rộng cũng giúp người dùng thực hiện công việc đồ họa, cần chính xác về màu sắc… dễ dàng.

Nhìn chung ở thời điểm hiện tại, những mẫu gaming laptop phân khúc flagship đã gần như thay thế được máy tính để bàn. Điều này đạt được là nhờ những tiến bộ trong ngành công nghiệp vi xử lý, đặc biệt là Intel, với những sản phẩm đầu bảng có sức mạnh đáng gờm. Kiến trúc nhân lai khởi đầu từ thế hệ 12 Alder Lake đã hoàn toàn thay đổi trải nghiệm của người dùng về hiệu năng xử lý, trong khi vẫn tiết kiệm năng lượng. ASUS ROG Strix SCAR 17 SE là 1 ví dụ điển hình về những gì đỉnh cao mà công nghệ hiện nay có thể tích hợp vào trong thân hình gọn gàng của laptop, đồng thời cũng không giới hạn hiệu năng, mở ra bước tiến mới cho trải nghiệm game di động cao cấp.

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^