Đánh giá Intel NUC 13 Extreme “Raptor Canyon” – Đỉnh cao công nghệ

Migovi đánh giá mẫu “Raptor Canyon” – Intel NUC 13 Extreme – là đỉnh cao sáng tạo, thiết kế và hiệu năng chắt lọc trong 10 năm NUC Series.

Intel NUC 13 Extreme là hệ thống máy tính chơi game nhỏ gọn đi cùng hiệu năng cao cấp nhờ những thay đổi của Intel về thiết kế. “Raptor Canyon” cũng đồng thời là mẫu NUC mạnh nhất từng được Intel sản xuất tính đến thời điểm hiện tại. NUC 13 Extreme không còn nhỏ gọn như trước nữa, lần đầu tiên Intel tăng cường không gian khung máy, đồng thời nâng cấp hiệu năng lên tối đa, tạo ra hệ thống PC cỡ nhỏ (small form factor) cực kỳ mạnh mẽ, đi cùng khả năng mở rộng linh hoạt.

Có thể nói NUC 13 Extreme là đỉnh cao của sức sáng tạo, công nghệ cùng thiết kế mà Intel dồn hết tâm huyết để tạo nên. Không còn sự nhỏ gọn như Beast Canyon hay Dragon Canyon, mẫu Raptor Canyon mang đến diện mạo mới hoàn toàn, rộng rãi hơn, thoáng hơn và quan trọng nhất – mạnh mẽ hơn. Vẫn thuộc phân khúc SFF nhưng thùng máy NUC 13 Extreme có dạng tháp, thoạt trông như 1 mẫu case thông thường, chỉ là nhỏ hơn nhiều. Kích thước của Raptor Canyon là 337 x 317 x 129 mm, tương đương khoảng 14 lít thể tích (13.78 lít), trọng lượng thay đổi tùy theo card đồ họa rời nào được sử dụng.

Thiết kế của NUC 13 Extreme chủ yếu là lưới, từ 2 mặt hông đến trên nóc và cả dưới đáy. Điểm khác lạ đầu tiên là không còn logo đầu lâu Intel Extreme nữa, ngoại hình thuần đen, hoàn thiện mờ, lớp thép dày cho cảm giác chắc chắn và cứng cáp.

Modular là ngôn ngữ được Intel ứng dụng triệt để cho phần thùng máy. Toàn bộ các nắp che ở cả 5 mặt ngoài đều sử dụng ngàm gài, tổng hợp lại giữ cố định bằng 1 ốc vặn tay duy nhất ở phía sau. Đầu tiên, anh em sẽ mở ốc này, nhấc mặt lưới trên nóc ra trước, sau đó các mặt khác chỉ kéo nhẹ là có thể tháo gỡ dễ dàng, để lộ phần nội thất.

Khi không gian rộng hơn, Intel có thể hiện thực được 1 chuyện mà các đời NUC Extreme trước không thể: tách riêng khu vực Compute Element và card đồ họa. Đây là thay đổi cực kỳ quan trọng để Intel đẩy hiệu năng của hệ thống lên mức tối đa. Nếu như Dragon Canyon là NUC Extreme Series đầu tiên trang bị socket chuẩn, hỗ trợ vi xử lý desktop tiêu chuẩn thì Raptor Canyon còn hơn thế nữa. Intel sẵn sàng trang bị cho NUC mạnh nhất của họ con chip desktop nhanh nhất hiện nay – Core i9-13900K.

Core i9-13900K rất mạnh, và để giải quyết bài toán làm mát cho nó không hề đơn giản, chính vì vậy tách riêng khu vực CPU – GPU là điều kiện cần đầu tiên, tránh phần nhiệt từ GPU ảnh hưởng. Điều kiện đủ chính là không gian rộng hơn cho phép thiết kế tản nhiệt CPU tốt hơn, gắn được nhiều quạt hơn. Intel không sử dụng tản nhiệt nước AIO cho CPU, và cá nhân mình đánh giá đây là quyết định hợp lý. Tản nhiệt AIO cỡ nhỏ chưa chắc có hiệu năng làm mát tốt như tản nhiệt khí, trong khi dù tỉ lệ rất thấp nhưng vẫn có rủi ro. Ngoài ra khi sử dụng về lâu dài sẽ bị giảm hiệu năng nếu không bảo trì. Tản nhiệt khí đơn giản hơn, rủi ro bằng 0, vệ sinh cũng không hề phức tạp.

Hỗ trợ làm mát cho hệ thống là 2 quạt 120 mm, model PVA120G12P của Foxconn, công suất 5.4 W (12 V @ 0.45 A), điều xung PWM với chân 4 pin trên bo mạch NUC 13 Extreme Compute Element.

Ngàm gài xuất hiện thường xuyên trong Raptor Canyon, dĩ nhiên trừ những nơi bắt buộc sử dụng ốc vít như cố định card đồ họa, cố định Compute Element vào bộ khung. Bo mạch chính chứa socket CPU và các thành phần chủ chốt như RAM, SSD cũng gắn với bo mạch nguồn bằng dạng card, nhưng thay vì chuẩn PCIe thông thường thì được mở rộng thêm, đi cùng cơ chế gài bằng khớp có lẫy. Intel gọi đây là kết nối PCIe 5.0 x16 Gold Finger.

Đây là Intel NUC 13 Extreme Compute Element, kích thước 295 x 136.5 x 46.1 mm. PCB thực sự ngắn hơn, phần dư ra là khối lá nhôm tản nhiệt phụ cho CPU.

Logo Intel NUC và đầu lâu chỉ xuất hiện ở phần ốp nhựa của I/O panel, không đèn, in đơn giản. Intel tập trung vào hiệu năng thay vì các chi tiết trang trí với đèn RGB như trước đây. Toàn bộ hệ thống khi hoạt động cũng gần như không có ánh sáng, trừ LED nút nguồn và vài nơi trên Compute Element, rất ít.

Những cổng kết nối trên NUC 13 Extreme gồm có 2 cổng USB 3.2 Gen 1 Type A, 1 cổng USB 3.2 Gen 2×2 Type C, 1 cổng âm thanh 3.5 mm (phía trên); 6 cổng USB 3.2 Gen 2 Type A, 2 cổng Thunderbolt 4/USB4 Type C, 1 cổng LAN Intel 2.5 Gb (i226-V), 1 cổng LAN 10 Gb (AQC113), 1 cổng HDMI 2.1, 3 cổng âm thanh 3.5 mm (phía sau).

Các chân cắm, header trên bo mạch đều được mạ vàng, ngoài công dụng chống nhiễu thì còn cho tiếp xúc tốt hơn, chống oxy hóa và mang đến vẻ đẹp cao cấp, đắt tiền, chứng tỏ Intel rất chăm chút cho đứa con cưng Raptor Canyon.

Một lần nữa, RAM và SSD trang bị cho NUC 13 Extreme “Raptor Canyon” lại sử dụng sản phẩm của Kingston, cụ thể là FURY Impact DDR5-4800 SO-DIMM 32 GB (2 x 16 GB) và FURY Renegade PCIe 4.0 NVMe M.2 SSD dung lượng 1 TB. Hơi tiếc rằng để có được sự gọn gàng thì NUC 13 Extreme Compute Element phải dùng RAM DDR5 cho laptop thay vì chuẩn UDIMM thông dụng. Kit Kingston KF548S38IBK2-32 có dung lượng 32 GB, mỗi thanh 16 GB, 8 chip nhớ trên 1 mặt, điện thế hoạt động 1.1 V, độ trễ CL38-38-38.

Con chip Intel JHL8540 cung cấp kết nối Thunderbolt 4, phía trên là Intel QW93 hỗ trợ kết nối mạng 2.5 Gb (i226).

Mặt sau Compute Element có 3 khe M.2 cho SSD, thoải mái mở rộng không gian lưu trữ. Tất cả các khe M.2 này đều hỗ trợ PCIe 4.0 x4, độ dài SSD tối đa 2280, trong đó 1 khe từ CPU và 2 khe từ chipset Intel Z690.

Đây là chipset Intel Z690 được trang bị cho mainboard NUC 13 Extreme Compute Element. Dù rằng về cơ bản Z690 và Z790 không có khác biệt gì nhiều trừ vài kết nối, nhưng nếu như Raptor Canyon tích hợp chipset Z790 sẽ mang lại cảm giác “tới đỉnh” hơn.

Đảm nhiệm phần âm thanh tích hợp là con chip Realtek ALC1220. Phần kết nối không dây được cung cấp từ card Intel Killer AX1690i, Wi-Fi 6E, tốc độ khoảng 3 Gbps, hỗ trợ công nghệ MU-MIMO và OFDMA, kèm Bluetooth 5.3.

Backplate cho tản nhiệt của vi xử lý rất lớn và rất dày để đảm bảo cố định tốt và tránh bị cong PCB sau thời gian dài sử dụng.

Quạt làm mát dạng lồng sóc cho CPU cũng do Foxconn cung cấp, model PVB120F12H, công suất 10.2 W (12 V @ 0.85 A), bình thường rất êm ái nhưng khi hoạt động ở tốc độ tối đa sẽ ồn dù không quá lớn.

Khối tản nhiệt khí để “gánh” Core i9-13900K là dạng direct-touch, có 4 heatpipe với 3 ống 8 mm và 1 ống 6 mm, tiếp xúc trực tiếp IHS của CPU. Intel cũng thiết kế lớp tản nhiệt cho khu vực VRM.

Nhờ sử dụng socket LGA 1700 tiêu chuẩn nên anh em có thể dễ dàng thay vi xử lý khác nếu có nhu cầu nâng cấp. Dĩ nhiên với phiên bản trong bài viết này, nâng cấp chắc chỉ sử dụng cho mẫu Core i9-13900KS chuẩn bị ra mắt vào đầu năm sau mà thôi.

NUC 13 Extreme “Raptor Canyon” này là sản phẩm thử nghiệm, do đó Intel gắn CPU Core i9-13900K bản ES (Engineering Sample), về lý thuyết nó sẽ không có khác biệt gì so với bản thương mại.

Nếu như sử dụng Raptor Canyon trong không gian chật chội và nóng, đồng thời thường xuyên chơi game hay dựng hình, anh em có thể tăng cường khả năng làm mát bằng cách trang bị thêm quạt cho tản nhiệt. Intel thiết kế sẵn lỗ gắn quạt trên khối lá nhôm, hỗ trợ quạt cỡ 90/92 mm với độ dày 15 mm. Khi mua và gắn quạt phụ, anh em đừng quên chuẩn bị sẵn 2/4 ốc M3 có độ dài khoảng 20 mm.

Bộ nguồn SFX cấp điện cho NUC 13 Extreme là FSP750-27SCB, công suất tối đa 750 W. Đây là bộ nguồn SFX thiết kế theo tiêu chuẩn Intel ATX 12VO đầu tiên trên thế giới, ra mắt vào cuối năm 2021. Điểm đặc biệt là bộ nguồn cho phép hệ thống máy tính giảm mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ hiệu quả hơn thông qua chuẩn hiệu suất CEC Tier 2. Thiết kế dây cáp của FSP750-27SCB cũng khác biệt, thay vì ATX 24 pin sử dụng cho mainboard thì rút gọn lại theo 12VO còn 10 pin, trong khi đó EPS12V 4+4 pin CPU và PCIe 6+2 pin giữ nguyên. Bộ nguồn này cũng đi kèm với đầu 12VHPWR cho card đồ họa NVIDIA thế hệ mới. Tổng cộng anh em có 3 đầu PCIe 6+2 pin và 1 đầu 12VHPWR để tùy ý sử dụng.

Cái lợi của việc chia khu vực cho CPU và GPU ngoài khả năng tản nhiệt được cải thiện thì còn cho phép gắn card đồ họa dòng cao cấp hơn. Intel NUC 13 Extreme bản thử nghiệm đã gắn sẵn mẫu ASUS TUF Gaming GeForce RTX 3080 Ti OC Edition, chiếm 2.7 khe PCI cùng độ dài 299.9 mm. Khả năng hỗ trợ của thùng máy Raptor Canyon là card đồ họa dày 3 khe PCI, dài tối đa 317.5 mm. Thông số này hoàn toàn cho phép anh em trang bị card đồ họa mạnh nhất hiện tại – NVIDIA GeForce RTX 4090 Founders Edition – cho NUC 13 Extreme. Mình không có hình ảnh cho phần này, tuy nhiên do kích cỡ vừa khít nên nếu muốn lắp đặt, anh em cần tốn 1 chút thời gian để tháo gỡ phần khung thùng máy xung quanh khu vực GPU. Công suất 750 W của bộ nguồn hoàn toàn đủ để trang bị RTX 4090 mà không gặp vấn đề gì. Intel Core i9-13900K được giới hạn ở 250 W PL2 và 160 W PL1 trong BIOS/UEFI, ngoài ra anh em đừng quên là RTX 4090 có thể hạ công suất tiêu thụ nhưng vẫn có hiệu năng không quá khác biệt.

Nhiệt độ CPU là điều đáng ngạc nhiên, nhờ việc BIOS/UEFI giới hạn công suất theo đúng thiết kế của vi xử lý Core i9-13900K, thay vì cho phép thoải mái bung sức như trên hệ thống desktop thông thường. Mình thử nghiệm cho chạy Cinebench R23 trong 10 phút, nhiệt độ tối đa chỉ 93 độ C, điều kiện phòng 30 độ thông thường không có máy lạnh, nếu trang bị thêm quạt 90/92 mm thì sẽ còn mát hơn nữa. Kết quả Cinebench đạt khoảng 35,000 điểm, kém hơn 14% so với lúc thử nghiệm Core i9-13900K trước đây (~40,000 điểm) nhưng đó là khi mở khóa toàn bộ công suất. Cách biệt hiệu năng thể hiện qua điểm số các phép thử dao động trong khoảng 8% đến 20% so với thử nghiệm Core i9-13900K lúc mới ra mắt.

Nhìn chung trải nghiệm của mình đối với NUC 13 Extreme “Raptor Canyon” là rất thú vị và đặc biệt. Intel biết cách để mang đến những điều mới lạ và độc đáo qua từng thế hệ NUC, nhất là dòng Extreme cao cấp nhất. Có thể nói Raptor Canyon là bước đi táo bạo của Intel để khai phá ra con đường mới cho SFF PC, khi vẫn giữ được sự gọn gàng nhưng ẩn bên trong là sức mạnh đáng nể. Chỉ có dung tích khoảng 14 lít, NUC 13 Extreme như người tí hon so với kẻ khổng lồ – thùng máy mid tower tiêu chuẩn, nhờ thiết kế và sắp xếp linh kiện đặc biệt, sản phẩm vẫn cho phép trang bị sức mạnh đồ họa đỉnh cao hiện nay, đủ sức phục vụ game thủ cùng những tựa game nặng nhất. Có vẻ Intel đã dồn hết tất cả những tinh hoa họ có được để tạo nên Raptor Canyon – phiên bản NUC ấn tượng trong dịp kỷ niệm 10 năm Next Unit of Computing xuất hiện trên thị trường.

Migovi đánh giá

Migovi Legendary Rating

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^