Hands-on ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC

Trải nghiệm nhanh về ngoại hình và thông số kỹ thuật của card đồ họa rời Intel Arc A380 trước ngày ra mắt chính thức tại Việt Nam.

Intel Arc A380 là mẫu GPU đã và đang tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều trên truyền thông và nhân vật chính trong bài này đến từ nhà sản xuất ASRock, model Challenger ITX Intel Arc A380 OC. Trước mắt mình chỉ chia sẻ những điểm về ngoại hình, thông số kỹ thuật, còn phần benchmark cần chờ sau khi Intel chính thức ra mắt Arc A380 tại Việt Nam, đâu đó cuối tháng 9 này.

Nếu như anh em muốn sử dụng GPU Arc A380 thì chỉ có 2 lựa chọn từ GUNNIR và ASRock. Thương hiệu GUNNIR chỉ bán sản phẩm của họ tại thị trường nội địa Trung Quốc, trong khi ASRock cung cấp cho người dùng toàn cầu. Ở Việt Nam, 1 số nhà phân phối và bán lẻ đã có hàng, giá của card vào khoảng 4.6 đến 5 triệu đồng.

Thiết kế ngoài vỏ hộp đơn giản do đây chỉ là GPU phân khúc phổ thông của Intel. ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC không đi kèm bất cứ phụ kiện nào ngoài hướng dẫn sử dụng.

Card chỉ trang bị 1 quạt làm mát, phần nhựa cứng bảo vệ mặt trước được trang trí bằng hoa văn và cả các đường cắt, nổi lõm dạng chéo. Để sử dụng, anh em cần cấp thêm nguồn cho card thông qua 1 đầu PCIe  8 pin. Về cơ bản, Intel Arc A380 có công suất tiêu thụ điện là 75 W, bằng mức mà khe PCIe có thể cấp được, tuy nhiên ASRock bổ sung thêm nguồn phụ 150 W, phần nào giúp card hoạt động ổn định và có thêm khả năng ép xung.

Các cổng xuất tín hiệu hình ảnh mặc định gồm 3 cổng DisplayPort 2.0 và 1 cổng HDMI 2.0b. Card chiếm 2 khe PCI, phần trống còn lại được thiết kế dạng lưới lục giác cho luồng khí lưu thông.

Hầu như các thành phần linh kiện chủ yếu (VRAM, VRM) của card Intel Arc A380 đều được bố trí ở mặt trước card. Khối tản nhiệt chính có chất liệu nhôm, tạo hình tròn với các lá tản nhiệt tương tự như 1 tản nhiệt mặc định theo vi xử lý Intel trước đây mà anh em có lẽ đã quá quen rồi. Mình chưa tiếp cận bên dưới tản nhiệt nhưng khả năng cao đây chỉ là 1 khối nhôm.

ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC có bộ nhớ đồ họa dung lượng 6 GB GDDR6, gồm 3 chip nhớ, mỗi chip 2 GB. Nhà sản xuất hỗ trợ làm mát cho chip nhớ đồ họa bằng thermal pad và tận dụng luôn cả khối tản nhiệt chính. Trong quá trình mình thử nghiệm thì card khá mát, và do đó cũng không cần phải quá quan tâm đến nhiệt độ hoạt động ngay cả trong thời gian dài.

Là phiên bản ép xung sẵn, ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC có mức xung nhân 2250 MHz (tăng thêm 12.5% so với thông số từ Intel), gồm 8 nhân Xe và bộ nhớ đồ họa 6 GB GDDR6, độ rộng 96 bit. Khi cài đặt, anh em cần tải về driver với dung lượng khoảng 1.2 GB, bao gồm cả trình điều khiển lẫn phần mềm hỗ trợ. Mình chạy trước vài phép thử tổng hợp thì thấy hiệu năng khá ổn, điều quan trọng là hệ thống của anh em cần hỗ trợ và bật Resizable BAR.

Như mình đã từng viết, Intel Arc A380 là 1 mẫu GPU hướng đến phân khúc phổ thông, đối thủ của AMD RX 6500 và NVIDIA GTX 1650. Điểm số benchmark tổng hợp cho thấy điều này là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên driver của Intel chưa kịp tối ưu với rất nhiều tựa game (nhất là trên nền DirectX cũ) và phần mềm khác, do đó chưa khai thác được hết sức mạnh GPU. Intel cần thời gian để hoàn thiện driver tốt hơn nữa. Vấn đề mà Intel đang phải đối mặt là phần mềm, hoàn toàn không phải phần cứng, và mình cũng hi vọng rằng Intel sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển Arc Alchemist, để tạo đối trọng và thế chân vạc với NVIDIA và AMD. Chỉ có như vậy, người dùng chúng ta mới tránh được những bực bội khi phải mua card đồ họa giá cao hơn nhiều lần so với giá gốc, lúc tiền số khuấy đảo thị trường.

Bài đánh giá về hiệu năng ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC sẽ sớm có ngay sau khi Intel ra mắt chính thức GPU Arc tại Việt Nam.

One thought on “Hands-on ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^