Canon EOS R7 | R10 ra mắt, mirrorless, APS-C, ống kính RF-S

Canon EOS R Series mở rộng thêm 2 mẫu máy ảnh không gương lật dùng cảm biến APS-C mới, gồm R7 và R10, đi cùng các ống kính RF-S.

Canon EOS R7 và EOS R10

Được hỗ trợ bởi engine xử lý hình ảnh DIGIC X mạnh mẽ, EOS R7 và EOS R10 là những model đầu tiên kế thừa công nghệ lấy nét tự động (AF) mới ở máy EOS R3. Công nghệ này sử dụng khả năng phát hiện chủ thể bằng kĩ thuật deep learning (học sâu) của hệ thống EOS iTR AF X để theo dõi chủ thể tốt hơn trên toàn bộ vùng ảnh, bất kể chế độ AF là gì. Đặc điểm này giúp hoạt động lấy nét tự động nhạy hơn và ổn định hơn, ngay cả trong các cảnh động.

Cả EOS R7 và EOS R10 đều có thể chụp ảnh liên tục ở tốc độ cao lên đến 15 fps ở chế độ màn trập cơ khí và điện tử (có theo dõi AF/AE) – đây là tốc độ nhanh nhất không chỉ ở tất cả máy ảnh EOS dùng cảm biến APS-C, mà còn ở tất cả máy ảnh dòng EOS R. Đặc điểm này tương đương với EOS-1D X Mark III là model DSLR tiêu biểu của Canon, với khả năng chụp ở tốc độ 16 fps với khung ngắm quang học. Ở chế độ màn trập điện tử, EOS R7 có thể chụp ảnh 32.5 megapixel với tốc độ chụp liên tục xấp xỉ 30 fps, trong khi EOS R10 chụp ảnh 24.2 megapixel ở tốc độ xấp xỉ 23 fps.

Cả EOS R7 và R10 đều có chế độ RAW burst mode với khả năng chụp ảnh RAW ở độ phân giải tối đa lên đến 30 fps. Chế độ này hỗ trợ hoạt động trước khi chụp ảnh, nghĩa là bắt đầu ghi lại cảnh chụp với độ dài tối đa 0.5 giây trước khi màn trập mở, giúp chụp được những khoảnh khắc mà bạn không ngờ đến.

Canon EOS R7 và EOS R10 sử dụng cảm biến hình ảnh APS-C CMOS với độ phân giải lần lượt là 32.5 MP và 24.2 MP. Khi kết hợp với engine xử lý hình ảnh DIGIC X, các model này đạt được chất lượng hình ảnh và độ phân giải vượt xa số megapixel thể hiện. Độ phân giải hình ảnh của EOS R7 vượt mức của EOS 90D và EOS M6 Mark II dù có cùng megapixel, trong khi độ phân giải của EOS R10 tương đương hai model máy trên. Mái tóc óng mượt, sợi vải, và các chi tiết nhỏ khác có thể được chụp lại chính xác và sắc nét.

EOS R7 là máy ảnh EOS dùng cảm biến APS-C đầu tiên có bộ ổn định hình ảnh 5 trục với cơ chế cảm biến dịch chuyển, có thể đạt được mức ổn định hình ảnh tối đa lên đến 8 stop khi quay phim và chụp ảnh tĩnh. Cả EOS R7 và EOS R10 đều có chức năng ổn định hình ảnh kĩ thuật số cho video (Movie Digital IS), thực hiện ổn định hình ảnh 5 trục cho video ngay cả khi dùng ống kính không có bộ ổn định hình ảnh (Optical IS).

EOS R7 có thể thực hiện lấy mẫu 7K để quay video chất lượng cao 4K UHD lên đến 30p ở chế độ 4K UHD Fine mới. Có thể quay video 4K 60p ở chế độ 4K UHD tiêu chuẩn. Đây cũng là chiếc máy ảnh EOS dùng cảm biến APS-C đầu tiên hỗ trợ Canon Log 3 gamma, phù hợp cho hoạt động điều chỉnh màu cho video và sản xuất video HDR. Trong khi đó, EOS R10 có thể quay video chất lượng cao 4K UHD 30p nhờ hoạt động lấy mẫu 6K. Cả hai máy ảnh đều có khả năng quay video 4K HDR PQ.

Điểm mạnh của cảm biến APS-C là hiệu ứng telephoto sẵn có, cũng như khi có sẵn một extender. Đặc điểm này giúp ích cho người dùng nào thường chụp ảnh động vật hoang dã và các chủ thể khác với tiêu cự dài hơn. Góc ngắm được “phóng to” tự động khoảng 1.6 lần tiêu cự ghi trên ống kính. Mặt khác, không như khi dùng chế độ crop 1.6 lần trên các máy ảnh EOS R full-frame, hoạt động quay phim dùng độ phân giải tối đa của cảm biến hình ảnh. Khi quay video với EOS R7, độ crop 1.6 lần của APS-C có thể kết hợp với chế độ crop 4K UHD để có hiệu ứng telephoto mạnh hơn nữa, vào khoảng 1.8 lần so với tiêu cự.

Cảm biến hình ảnh APS-C bằng khoảng 40% kích thước của cảm biến full-frame 35 mm, giúp máy ảnh và ống kính xung quanh đạt kích thước nhỏ hơn, nhẹ hơn, cơ động hơn, và dễ mang đi hơn. Nhờ tối ưu hóa việc sử dụng vật liệu và thiết kế cấu trúc máy, Canon đã giảm thêm nữa trọng lượng của máy ảnh so với các model DSLR tương đương. Sự cải thiện về mặt tiện lợi này sẽ được nhân lên khi kết hợp với một trong các ống kính RF-S mới, giúp giảm tổng trọng lượng đến 24%.

Ngoài ống kính RF-S được phát triển riêng cho máy ảnh EOS dùng cảm biến APS-C, EOS R7 và EOS R10 cũng có thể được dùng trực tiếp với ống kính RF được thiết kế cho máy ảnh full-frame. Ống kính EF và EF-S cũng có thể được dùng theo cách tương tự khi có ngàm EF-EOS R. Khi gắn ống kính được thiết kế cho máy ảnh full-frame, hiệu ứng telephoto 1.6 lần sẽ tự động được áp dụng. Các máy ảnh này không tương thích với ống kính EF-M.

Ống kính RF-S

Ra mắt cùng với EOS R7 và EOS R10, RF-S18-45mm f/4.5-6.3 IS STM và RF-S18-150mm f/3.5-6.3 IS STM là ống kính được dành riêng cho đối tượng người dùng mới bắt đầu sử dụng hệ thống EOS R. Với kích thước và trọng lượng được giảm nhẹ nhờ độ rộng vùng hình ảnh của cảm biến APS-C nhỏ hơn, các model này có cùng chiều dài và trọng lượng với ngàm EF-M gọn nhẹ tương ứng – trong khi vẫn mang lại lợi ích của ngàm RF lớn.

RF-S18-45mm f/4.5-6.3 IS STM là ống kính zoom tiêu chuẩn với tiêu cự tương đương 29 – 72 mm ở full-frame, mang lại phạm vi telephoto ở góc rộng đến trung bình, phù hợp để chụp các khoảnh khắc thường ngày. Ống kính dài khoảng 44.3 mm và nặng khoảng 130 gram, tương tự EF-M15-45mm f/3.5-6.3 IS STM.

RF-S18-150mm f/3.5-6.3 IS STM là ống kính siêu zoom có tiêu cự dài hơn, tương đương 29 – 240 mm ở full-frame. Là ống kính đa dụng thích hợp cho du lịch, tiêu cự dài hơn giúp nó phù hợp với việc chụp các cảnh ở xa, thể thao nghiệp dư và động vật hoang dã, ngoài các cảnh thường ngày. Ống kính nặng khoảng 310 gram và dài 84.5 mm, tương tự EF-M18-150mm f/3.5-6.3 IS STM.

Ống kính RF-S cũng có thể được lắp trực tiếp vào các máy ảnh thuộc hệ thống EOS R full-frame, với chế độ crop 1.6 lần được bật tự động.

Chia sẻ cảm nhận nhé ^^