Đừng nghĩ rằng pin laptop một khi không thể sạc được nữa có nghĩa là đã hết thuốc chữa. Nếu một ngày nào đó xui xẻo rơi vào trường hợp này, hãy thử một trong những cách sau, biết đâu bạn có thể cứu vãn được tình thế.
Pin laptop, thành phần không thể thiếu nếu bạn muốn làm việc, giải trí mà không cần phải phụ thuộc vào ổ cắm điện trên tường. Pin laptop cũng đã ít nhiều được cải tiến tính từ những ngày đầu đến nay. Tuy nhiên, thời lượng dùng pin của laptop vẫn chưa thực sự là những con số ấn tượng. Bên cạnh đó, chu kỳ sạc của pin laptop cũng còn ít nhiều hạn chế khiến “món” này được liệt vào hàng những linh kiện sớm “ra đi”. Một khi chiếc laptop vốn vẫn hoạt động trơn tru nhưng không thể tiếp tục sạc pin nữa, thời gian dùng pin cũng suy giảm đáng kể, đó là lúc “ngày tàn” của pin đã cận kề.
Tuy nhiên, nếu bạn là một người chịu voọc, đừng vội tốn tiền mua pin mới, hãy thử một trong những cách sau đây, nhiều khả năng bạn sẽ cứu vãn được tình thế và hồi sinh được pin “chết”.
Cấp đông
Nghe tưởng chừng như có vẻ hơi phi lý, nhưng nếu bạn vẫn còn những mẫu laptop đã vài năm tuổi, thường được nhà sản xuất trang bị pin loại NiMH hoặc NiCd thì đây là cách tốt nhất.
Một khi đã xác định được đúng loại pin của laptop của mình, để thực hiện, trước hết bạn cần chuẩn bị một chiếc túi zip vẫn thường được dùng để bảo quản sản phẩm. Đương nhiên, bạn sẽ tháo rời pin khỏi thân máy, sau đó bỏ vào túi zip này và khóa chặt miệng lại. Tiếp đến, bỏ pin vào ngăn đông của tủ lạnh và để yên trong tủ như vậy 10 giờ đồng hồ.
Sau 10 tiếng, bạn rã đông pin theo cách tự nhiên, tức lấy pin đã cấp đông ra khỏi tử và để cho pin tự ấm lên theo nhiệt độ phòng thông thường. Một khi nhiệt độ pin đã trở về gần với nhiệt độ phòng, hãy lắp pin lại vào máy và chờ kết quả. Nhiều người đã thử cách này với các loại pin laptop là NiMH hoặc NiCd và kết quả đạt được là 70% pin đã “chết” sau khi được cấp và rã đông lại có thể sạc được. Tuy nhiên, điều này không giúp cải thiện thời gian dùng pin. Cũng xin lưu ý luôn rằng với loại pin Lithium – vốn thường thấy trong các máy tính xách tay của Apple và những mẫu laptop đời mới, đừng sử dụng cách này bạn nhé!.
Sạc trực tiếp
Như đã nói, cách cấp đông không hiệu quả với pin Lithium. Tuy vậy, vẫn có cách để hồi sinh loại pin này. Lưu ý, mức độ nguy hiểm của cách làm này sẽ rất cao nếu bạn sạc quá lâu.
Chính vì mức độ nguy hiểm cao, Migovi đề nghị những bạn yêu thích mày mò tự khám phá hãy chuẩn bị một chỗ thông thoáng trước nếu muốn hồi sinh pin theo cách này. Thông thoáng thôi chưa đủ, bạn phải bảo đảm để pin cách xa những vật dụng có thể bắt lửa phòng trường hợp bạn quên theo dõi và pin nổ trong quá trình “làm phép” hồi sinh này.
Nếu đã đảm bảo hết các yêu cầu về an toàn, bạn tháo pin ra khỏi máy laptop, xác định vị trí cực dương và âm của pin. 2 đoạn dây điện dài tầm 10cm mỗi đoạn và nên dùng khác màu hoặc đánh dấu sao cho dễ phân biệt đúng cực dương với cực âm. Tiếp theo bạn nối đầu dây của cực dương trên pin với cực dương của đầu adaptor của máy, và tương tự với dây nối 2 đầu cực âm. Cần đảm bảo chắc chắn rằng các đầu dây được cố định, tránh tình trạng tuột dây nối gây chập điện cháy nổ bạn nhé. Tiếp đến cấp điện cho adaptor và giữ trong khoảng 1 đến 2 giờ là tối đa. Với cách làm này, bạn cần chú ý theo dõi nhiệt độ pin, nếu cảm thấy pin quá nóng, hãy ngừng ngay quá trình sạc. Ngoài ra, việc tháo các đầu dây dẫn khỏi cực điện trên pin cũng cần phải cẩn thận vì bạn có thể làm ngắn mạch khiến pin nổ.
Do đặc tính, pin Lithium sẽ tự chết sau một thời gian không sử dụng. Vì vậy, cố gắng duy trì việc sạc ít nhất mỗi 2 ngày. Cách hồi sinh này cũng có thể thực hiện với cả những thế hệ pin Lithium mới trên thị trường. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý tối đa mức độ an toàn cho cá nhân.
Thay Cell pin
Pin laptop cơ bản được cấu tạo gồm nhiều cell pin bên trong. Trong một số trường hợp, không phải mọi cell đều “chết” khiến người dùng không thể tiếp tục sạc pin. Nếu may mắn, pin của bạn chỉ chết một cell nào đó và bạn sẽ bớt được một khoản tiền nếu tự mình thay cell. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi bạn phải tháo rời vỏ pin để đo đạc từng cell bên trong. Nếu điện áp của một cell nào đó bằng 0, tức cell đó đã ra đi. Lúc này, nếu muốn, bạn lại có thể áp dụng cách sạc song song như trên để hồi sinh cell pin này. Tuy nhiên, cần lưu ý mức điện áp trên pin để chọn nguồn sạc tương ứng.
Nếu thay cell mới, bạn cần phải xác định đúng mức điện áp, cũng như kích thước của cell pin cũ. Mức dung lượng (đo bằng mAh) của cell mới có thể bằng hoặc cao hơn cell cũ. Việc lắp cell mới cũng đòi hỏi bạn phải có một chút kỹ năng về hàn để đảm bảo các tiếp điểm được chắc chắn tránh tình trạng nẹt lửa gây cháy nổ về sau.
Nhìn chung, thay cell là công việc cần có kinh nghiệm. Nếu cảm thấy không tự tin, vì không tìm được cell pin đúng loại, hoặc trường hợp cell pin bị phù nề, bạn có thể đến các cửa hàng nhận làm cell pin uy tín để thay thế.